Việt Nam đang bước vào một cuộc cách mạng thể chế toàn diện nhằm kiến tạo nền tảng cho kỷ nguyên phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) vừa được ban hành đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước.
Bước vào kỷ nguyên mới, hai trụ cột “xanh” và “số” được xem là hai "động cơ phản lực", giúp khu vực tư nhân tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần đưa nền kinh tế “cất cánh”.
VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Trương Tử Long, Chuyên gia chính sách phát triển bền vững Công ty CP Sáng tạo xanh Việt Nam (GREEN IN), để hiểu rõ hơn những tác động của Nghị quyết 68 đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Từ góc nhìn của chuyên gia chính sách phát triển bền vững, xin ông cho biết một số thông điệp, định hướng mới nhất của Việt Nam liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững gắn với doanh nghiệp tư nhân?
Bắt kịp xu hướng của thời đại, chủ trương về phát triển bền vững, giảm phát thải và thực hành trách nhiệm xã hội đang được Đảng và Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm, song hành cùng các mục tiêu phát triển kinh tế. Trong Nghị quyết 68, lần đầu tiên khái niệm ESG được chính thức đưa vào nghị quyết của Đảng. Điều này đã định hình chiến lược phát triển cho doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh Nghị quyết 68 mới nhất của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí tư Tô Lâm đã có bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân– Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, gắn với đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Bài viết của Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, gắn chặt với chiến lược phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội, không chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính hay từ thiện, mà còn thể hiện qua các chính sách kinh doanh có trách nhiệm, chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ phát triển cộng đồng; và thực hành quản trị minh bạch, hiệu quả, xây dựng văn hóa kinh doanh dựa trên đạo đức, chống gian lận, đảm bảo công bằng với khách hàng, đối tác và người lao động.

Tôi nhận thấy có sự tương đồng sâu sắc giữa thông điệp của Tổng bí thư với nội dung của các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) quốc tế đang được doanh nghiệp áp dụng rộng rãi.
Tinh thần của thông điệp trên cũng xuyên suốt trong các nghị quyết khác của Bộ Chính trị ban hành từ đầu năm nay, như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Điều này thể hiện sự xuyên suốt, nhất quán trong định hướng và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Qua quan sát và từ thực tế kinh nghiệm tư vấn, ông nhận thấy quá trình chuyển đổi xanh ở các doanh nghiệp gặp phải những khó khăn, thách thức gì?
Theo tôi, trên hành trình chuyển đổi xanh, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là nhận thức về lợi ích và rủi ro từ xu hướng “xanh hóa” đang diễn ra.
Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền và tăng cường nhận thức đã được Nhà nước và xã hội đẩy mạnh. Đa số doanh nghiệp và người dân đã hiểu và nhận diện được cơ hội từ sản xuất xanh, bền vững với mức phát thải thấp và những rủi ro từ việc giảm lợi thế cạnh tranh, mất thị trường nếu vẫn giữ lối mòn cũ.
Khó khăn tiếp theo là vấn đề tài chính. Hiện nay, mới chỉ những doanh nghiệp lớn, đầu ngành đã tiếp cận được những nguồn vốn xanh. Các chương trình, giải pháp hỗ trợ về tài chính cho chuyển đổi xanh dường như vẫn chưa tới đại đa số các doanh nghiệp có nhu cầu.
Lần đầu tiên khái niệm ESG được nêu trong nghị quyết của Đảng, trong đó chỉ rõ thời gian tới sẽ có các cơ chế hỗ trợ lãi xuất, giảm lãi suất cho doanh nghiệp để chuyển đổi xanh, thực hành các tiêu chuẩn ESG.
Đây là những khoản hỗ trợ thiết thực, như liều thuốc tăng lực, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi xanh.
Trước những thách thức đó, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ mở đường cho doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi xanh như thế nào?
Để chuyển đổi xanh và số thành công, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nghị quyết 68-NQ/TW cho phép doanh nghiệp được tính chi phí này vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. Tức nếu doanh nghiệp bỏ ra 1 đồng chi phí cho R&D thì được hạch toán 2 đồng vào thu nhập chịu thuế.
Không chỉ có vậy, trước nay doanh nghiệp chỉ được trích lập tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho quỹ nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, Nghị quyết 68-NQ/TW đã cho phép tăng gấp đôi mức trích lập, tối đa là 20% thu nhập tính thuế thu nhập để lập quỹ nhằm thực hiện R&D cho chuyển đổi xanh và số.

Theo Cục Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ hàng năm nhưng không dùng đến, sau đó phải hoàn nhập. Nguyên nhân một phần do nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp, nhưng cũng một phần do quy định về hạch toán khi dùng tiền từ quỹ còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp chắc chắn kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.
Thông qua Nghị quyết, Chính phủ và các bộ cũng được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, hấp dẫn hơn về chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ cho chuyển đổi xanh.
Việt Nam đang nỗ lực trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các rào cản thương mại về kỹ thuật được các quốc gia đặt ra ngày càng nhiều, đặc biệt là các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, truy xuất dấu chân carbon và ESG, qua đó đặt ra thử thách trong gia nhập thị trường mới đối với hàng hóa Việt Nam.
Nghị quyết 59-NQ/TW cũng xác định phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, hướng tới Net Zero là xu thế và sức mạnh của thời đại. Để hội nhập và phát triển trong môi trường quốc tế, doanh nghiệp cần phải nắm bắt và đáp ứng được xu hướng và luật chơi chung.
Do vậy, Nghị quyết 68-NQ/TW đã yêu cầu phải có các chương trình “hỗ trợ để doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn ngành theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.” Tôi cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt Nam trang bị thêm những hành trang để vươn ra biển lớn.
Dưới góc nhìn chính sách và tuân thủ, theo ông, đâu là những vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW?
Nghị quyết 68-NQ/TW đã coi doanh nghiệp như những “chiến sĩ” và “chiến sĩ ra trận” thì cần được trang bị đầy đủ “quân tư trang”. Nghị quyết đã giúp tạo ra nền tảng về một thể chế kiến tạo, trang bị đầy đủ cho doanh nghiệp những hỗ trợ cần thiết để tăng cường nội lực, gia tăng lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên mới.
Tuy vậy, từ phía doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải lưu ý rằng tư duy quản lý nhà nước được cải cách từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Việc quản lý theo "hình nón", siết chặt đầu vào nhưng lỏng lẻo đầu ra nay được đổi thành quản lý theo "hình phễu", là tạo điều kiện cho đầu vào thông thoáng, tự do gia nhập thị trường, nhưng quản lý đầu ra rất chặt chẽ bằng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu có sai phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nghiêm minh và nặng hơn.

Từ góc nhìn của Nghị quyết 68 nói riêng và các định hướng chiến lược khác của Đảng và Nhà nước, có thể thấy chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mang tính tự nguyện, mà đã trở thành yêu cầu chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Với áp lực thị trường ngày càng lớn, nhưng thể chế ngày càng được hoàn thiện, mang tính kiến tạo, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ nếu biết chủ động nắm bắt và hành động. Khi “xanh” trở thành năng lực cốt lõi, doanh nghiệp không chỉ sống sót, mà còn có thể vươn mình mạnh mẽ trên thị trường quốc tế rộng lớn.
Điển hình trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hiện nay các dự thảo sửa đổi quy định về chế tài xử phạt theo hướng gia tăng mức độ hình phạt đang được đề xuất và sớm thông qua, cả trong lĩnh vực xử phạt hành chính và hình sự.
Ví dụ như thời hạn cuối cùng nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở (31/3/2025) đã qua, nhưng thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa triển khai và nộp báo cáo cho cơ quan quản lý.
Những trường hợp này có thế bị xử phạt hành chính với số tiền cao hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để lập báo cáo. Tâm lý chờ đợi và thờ ơ này tại doanh nghiệp nên được khắc phục trong bối cảnh mới.
Để doanh nghiệp chuyển đổi xanh thành công và hiệu quả, theo tôi, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt.
Với xu hướng phát triển của quốc tế, theo Báo cáo Việc làm xanh của GREEN IN, nhu cầu nhân sự có kỹ năng xanh tại doanh nghiệp tăng khoảng gần 12% năm 2024, trong khi đó nguồn cung nhân lực có các kỹ năng xanh chỉ tăng trưởng 5,6%. Điều này cho thấy tăng trưởng của nhu cầu đang gấp đôi so với tăng trưởng của nguồn cung nhân lực xanh ra thị trường.
Tuy Nghị quyết 68-NQ/TW đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nhưng giải pháp cụ thể tăng cường kỹ năng xanh cho người lao động chưa được đề cập tới rõ nét. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ được quan tâm và thúc đẩy trong thời gian tới.