October 22, 2024 | 10:56 GMT+7

Ứng dụng mã số mã vạch quản lý chuỗi cung ứng hàng hoá còn nhiều bất cập

Vũ Khuê -

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, cần thiết phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong doanh nghiệp...

Nhiều sản phẩm rau quả được ứng dụng mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc.
Nhiều sản phẩm rau quả được ứng dụng mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc.

Tại hội thảo “Mã số mã vạch trong chuyển đổi số và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ”, do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội mã số mã vạch Việt Nam tổ chức ngày 21/10/2024, các ý kiến đều nhận định, ứng dụng công nghệ có hàm lượng chuyển đổi số cao là một trong những biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

MÃ SỐ MÃ VẠCH “GIỐNG NHƯ CÂY GẬY CHỐNG ĐI TRỜI MƯA”

Nhấn mạnh ưu điểm khi áp dụng mã số mã vạch, tham luận của TS Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, cho rằng việc áp dụng công nghệ mã số mã vạch giúp cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thông tin chính xác về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở từng công đoạn sản xuất đến cung ứng, lưu kho, bán hàng ra thị trường.

Việc ứng dụng mã số mã vạch trên nền tảng công nghệ như Blockchain, IoT, AI và các công nghệ mới khác sẽ tạo ra hệ sinh thái số, dữ liệu lớn (Big data) phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa).

Một doanh nghiệp sản xuất chè lam (Thạch Thất, Hà Nội) ví von, mã số mã vạch giống như “cậy gậy chống đi trời mưa” của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình trước vấn nạn hàng nhái, giúp minh bạch thông tin về thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng.

Đồng thời là công cụ phục vụ nhà sản xuất, quản lý giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn,  người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ứng dụng mã số mã vạch quản lý chuỗi cung ứng hàng hoá còn nhiều bất cập - Ảnh 1

Theo TS. Tuấn, hiện nay, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số, mã vạch. Tới đây, một số nước khu vực châu Âu sẽ bắt đầu triển khai áp dụng hộ chiếu kỹ thuật số cho sản phẩm, hàng hóa mà bản chất bao gồm các công nghệ liên quan đến áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, dữ liệu lớn liên quan đến chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm hàng hóa muốn nhập khẩu vào các thị trường có quy định này phải đáp ứng yêu cầu quy định hộ chiếu kỹ thuật số này.

Còn tại Việt Nam, ngay từ năm 1995, Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tham gia EAN (mã số sản phẩm châu Âu nay đổi thành GS1) nhằm đưa công nghệ mã số mã vạch vào ứng dụng ở nước ta. Tới nay đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch.

Việc quy định quản lý nhà nước về mã số, mã vạch đã có từ năm 2002 theo Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg. Tiếp đó, hàng loạt các chính sách pháp luật được ban hành, gần đây nhất ngày 28/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghê đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Đặc biệt ngày 30/7/2024, Chỉ thị số 38/CT-TW về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo có yêu cầu: “Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để tăng cường công tác quản lý nhà nước về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất, nhập khẩu”.

“Những quy định nêu trên đã góp phần tạo hành lang pháp lý cần thiết để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa”, TS. Tuấn nhấn mạnh.

HIỂU ĐÚNG VỀ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC CÒN HẠN CHẾ

Bên cạnh những ưu điểm, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong thực tiễn áp dụng và quản lý đối với mã số mã vạch và truy xuất nguồn. Cụ thể, những bất cập về nhận thức, về cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, chế tài và công tác thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm.

Đồng tình, ông Nguyễn Thế Tiệp, Công ty cổ phần công nghệ và Truyền thông Smart Life, cho rằng hiện nay hoạt động truy xuất nguồn gốc được cả cộng đồng xã hội quan tâm. Người tiêu dùng cũng đã dần quen và lựa chọn các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư rất nhiều cho quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc.

Tuy vậy, theo ông Tiệp, dù trên thị trường hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc, song đa phần không đáp ứng yêu cầu chung.

Hơn nữa sự hiểu biết đúng về truy xuất nguồn gốc còn hạn chế với mọi đối tượng, người tiêu dùng, nhà quản lý, doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc…

Truy xuất nguồn gốc theo phương thức số đòi hỏi chi phí cao, phải đầu tư phần mềm, thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao. Đặc biệt, khó khăn trong việc thay đổi nhận thức khi triển khai.

Mặt khác, các hệ thống truy xuất nguồn gốc chưa thể kết nối, liên thông với nhau thành một mạng lưới mà hầu hết là hệ thống kín giống như mạng di động chỉ gọi được nội mạng.

Bổ sung thêm, đại diện Icheck cho biết dù đến nay đã có nhiều quy định liên quan tới truy xuất nguồn gốc, nhưng vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định, bắt buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, hay sản phẩm phải tham gia truy xuất nguồn gốc mà mới mang tính chất khuyến khích, tự nguyện.

Nhằm đẩy mạnh việc áp dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, ông Phó Đức Sơn, Chủ tịch Hội mã số mã vạch Việt Nam, đề xuất cần phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, đào tạo và hướng dẫn áp dụng.

Đồng thời, có những cơ chế chính sách khuyến khích việc áp dụng như xây dựng thành các đề án, chương trình áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa trọng điểm trên phạm vi quốc gia hoặc ở từng địa phương. Đặc biệt, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc.

Theo TS. Tuấn, cần hoàn thiện vận hành và nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền lượi người tiêu dùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate