May 04, 2023 | 16:13 GMT+7

Ngành hàng xa xỉ Mỹ đang đi ngang, Trung Quốc quay lại là thị trường màu mỡ

Minh Nguyệt -

Theo các số liệu thu thập về quý đầu tiên năm 2023 của ngành hàng xa xỉ, Mỹ không còn là “chiến mã” tăng trưởng khi doanh số bán hàng đang đi ngang, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng của khu vực…

Thị trường bán lẻ xa xỉ Mỹ đã lắng xuống với lưu lượng truy cập giảm so với năm ngoái. Ảnh: WWD
Thị trường bán lẻ xa xỉ Mỹ đã lắng xuống với lưu lượng truy cập giảm so với năm ngoái. Ảnh: WWD

Theo Vogue Business, tập đoàn Kering ngày 26/4 đã báo cáo rằng doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ đã giảm 18%, cho thấy sự sụt giảm này là một nguy cơ đối với tất cả các thương hiệu, đặc biệt là đối với những sản phẩm được ưa chuộng. Tổng doanh thu thuần tại Bắc Mỹ của Ferragamo giảm 19,8%. Giám đốc điều hành Marco Gobbetti nói với các nhà đầu tư: “Xét về bối cảnh bán lẻ, môi trường ở Mỹ đã lắng xuống với lưu lượng truy cập giảm so với năm ngoái”.

Hermès cũng báo cáo tăng trưởng doanh thu quý đầu tiên chậm lại từ châu Mỹ ở mức 19%, giảm từ mức 40,8% trong quý 4, mặc dù cho biết vẫn có “động lực tốt” ở Mỹ. Vào tháng 3, theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm chi tiêu bán lẻ của họ trong tháng thứ hai liên tiếp, một thời gian tạm lắng được phản ánh trong kết quả tài chính của mặt hàng xa xỉ.

Trong khi đó, mức tăng trưởng tại Mỹ của tập đoàn LVMH ổn định so với quý trước, với doanh thu “tốt nhưng tăng nhẹ hơn”. Giám đốc tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony cho biết: “Hoạt động kinh doanh đang chậm lại một chút do phần lớn hoạt động kinh doanh diễn ra bên ngoài Hoa Kỳ, nhưng cũng do thực tế là hoạt động kinh doanh địa phương dường như đang chậm lại”.

Đối với Jessica Ramirez, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu Jane Hali & Associates, sự suy giảm của Hoa Kỳ là vấn đề bình thường hóa hơn là sa sút, liên quan đến doanh số bán hàng cực cao kể từ đại dịch. Cô ấy nói: “Chúng ta đang đi tới những vị trí và giá trị thực sự của ngành bán lẻ. Các thương hiệu khó có thể so sánh với quý 1 và quý 2 năm ngoái, khi làn sóng mua sắm trả thù sau đại dịch vẫn còn mạnh mẽ”.

Người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm chi tiêu bán lẻ của họ trong tháng thứ hai liên tiếp.
Người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm chi tiêu bán lẻ của họ trong tháng thứ hai liên tiếp.

Theo The New York Times, bên kia bán cầu, Trung Quốc đang hồi phục thậm chí còn nhanh hơn dự kiến sau khi dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 vào đầu năm nay. Ông Guiony của LVMH cho rằng tình hình tài chính vững chắc của LVMH phần lớn là nhờ sự phục hồi ở Trung Quốc. Đại diện Hermès cũng nhấn mạnh một “năm mới rất tốt lành” khi báo cáo mức tăng trưởng 23% doanh số bán hàng tại châu Á trong quý 1 vừa qua.

Bà Karla Martin, giám đốc điều hành bộ phận may mặc và giày dép thời trang tại Deloitte, cho biết: “Chi tiêu của Trung Quốc trong phân khúc hàng xa xỉ đang quay trở lại sau hai năm qua, có lẽ là với tốc độ nhanh hơn so với chi tiêu ở Hoa Kỳ trên tất cả các danh mục mà chúng tôi định nghĩa là xa xỉ”.

Trong khi thị trường Mỹ vẫn không ổn định, Trung Quốc chiếm ưu thế với tư cách là thị trường theo sát. “Họ vẫn đang trở thành triệu phú hàng ngày và có nhu cầu rất lớn đối với các thương hiệu xa xỉ mang tính biểu tượng từ cả Châu Âu và Hoa Kỳ. Rất nhiều nhu cầu đó trong vài năm qua đã bị dồn nén”, bà Martin nói. “Việc đám đông đổ xô đến các điểm bán lẻ sầm uất đã trở thành khung cảnh quá quen thuộc, nhất là sau khi giới thượng lưu đại lục quay lại tiêu tiền như trước”.

“Tôi tiêu pha nhiều hơn”, Sunny Zhang, 24 tuổi, nhân viên một công ty tư vấn, nói khi đang xếp hàng chờ vào cửa hàng Chanel tại trung tâm thương mại Plaza 66. “Tôi cảm thấy rằng mọi thứ đều vô nghĩa trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa, vì vậy chúng ta nên tận hưởng khoảnh khắc hiện tại”. Tư duy mới này của người tiêu dùng giàu có giúp nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ ghi nhận doanh thu tích cực. Theo SCMP, thương hiệu Brunello Cucinelli công bố doanh số bán hàng quý đầu tiên tăng 56%. Luca Lisandroni, đồng Giám đốc điều hành của thương hiệu Ý, gọi năm 2023 là “năm vàng” đối với thị trường Trung Quốc.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ đồ trang sức, vàng và bạc tăng 37,4% trong tháng 3, nhanh gấp 3 lần so với đà phục hồi chung của thế giới. “Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp xa xỉ trong năm nay. Các thị trường cốt lõi khác như Mỹ và Hàn Quốc đã có sự giảm tốc”, Edouard Aubin, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, nói, đồng thời cho biết các thương hiệu như Chanel, Hermès và Louis Vuitton đang vượt trội so với đối thủ. “Hiện tại, phần lớn sự phục hồi trong chi tiêu không đến từ tầng lớp trung lưu. Động lực chủ yếu đến từ việc người giàu chi tiêu nhiều hơn”, ông Aubin nói.

Các chuyên gia nhận định, tại Trung Quốc, người trẻ tuổi tiêu tiền nhiều gấp 5 lần so với những người đồng trang lứa tại Mỹ. Các nhãn hiệu xa xỉ cũng chỉ rõ rằng nhóm khách hàng tạo ra tăng trưởng cho họ chính là thế hệ Gen Z. “Chúng tôi đã thuê nhiều gương mặt Gen- Z làm đại diện thương hiệu để gây thiện cảm hơn với nhóm khách hàng này”, ông Adam Hersgiman, phó Chủ tịch tập đoàn Tumi cho biết.

Ngành hàng xa xỉ Mỹ đang đi ngang, Trung Quốc quay lại là thị trường màu mỡ - Ảnh 1
Ngành hàng xa xỉ Mỹ đang đi ngang, Trung Quốc quay lại là thị trường màu mỡ - Ảnh 2
 
Ngành hàng xa xỉ Mỹ đang đi ngang, Trung Quốc quay lại là thị trường màu mỡ - Ảnh 3
Ngành hàng xa xỉ Mỹ đang đi ngang, Trung Quốc quay lại là thị trường màu mỡ - Ảnh 4
 

Nhìn chung, sau 3 năm phụ thuộc chủ yếu vào mua hàng trực tuyến, người mua sắm ở Trung Quốc vui mừng vì có thể thỏa sức thử túi xách, giày dép, kính râm... tại các cửa hàng bán đồ xa xỉ. Nhiều thương hiệu cao cấp đã tăng giá nhiều mặt hàng trong những tháng gần đây ở Trung Quốc. Giá vé máy bay tăng cao hơn và các chuyến bay ra nước ngoài còn tương đối hạn chế. Vì vậy, xu hướng mua hàng trong nước của người tiêu dùng Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cao.

Các bài đăng trên mạng xã hội về tình trạng thiếu hàng và người dân phải xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm thương mại cũng trở nên phổ biến. Ông Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ tại của Công ty tài chính Citi nhận định: “Sự phục hồi ngành công nghiệp xa xỉ trong nước đang diễn ra tốt đẹp. Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ để mắt tới các điểm đến ngắn hạn như Hong Kong, Ma Cao và Nhật Bản".

Chính phủ Trung Quốc còn có kế hoạch nâng cao vị thế của đảo Hải Nam hơn nữa, khi đặt mục tiêu miễn thuế cho toàn bộ hàng hóa bán trên hòn đảo vào năm 2025. Về cơ bản, mức giá rẻ hơn từ 10 - 40% đối với các loại hàng hóa từ mỹ phẩm, rượu và các sản phẩm xa xỉ tại 12 trung tâm mua sắm miễn thuế hiện có sẽ mở rộng áp dụng cho toàn tỉnh. Động thái trên của chính phủ đã khiến các công ty tiêu dùng cao cấp trên toàn cầu đều muốn giới thiệu các thương hiệu và sản phẩm mới nhất để nắm bắt cơ hội do sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc mang lại.

Bà Claudia D'Arpizio, một đối tác cấp cao của công ty tư vấn Bain ước tính rằng, dân số người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao ở Trung Quốc đại lục sẽ tăng gấp đôi lên 500 triệu người vào năm 2030. Đến lúc đó, bà D'Arpizio dự đoán, quốc gia này sẽ chiếm khoảng 40% khách mua hàng xa xỉ toàn cầu.

Từ nay đến lúc đó, các thị trường mới đang nổi lên có thể làm rung chuyển vị thế Mỹ trong bàn cờ sang trọng toàn cầu, với việc Hàn Quốc được các tên tuổi lớn trong lĩnh vực xa xỉ để mắt đến và trở thành nhân vật chính trong việc định hướng các xu hướng và hiện tượng có ảnh hưởng toàn cầu. Với sức mua tăng đáng kể, Hàn Quốc có thể trở thành một người chơi chính trong thị trường xa xỉ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate