Tại diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã”, do Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 28/7, các đại biểu đã nêu lên thực trạng vốn của các hợp tác xã quá thấp, nhưng lại khó tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.
VỐN HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ QUÁ THẤP
Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết hiện cả nước có 18.795 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình hợp tác xã cả nước, thu hút 3,2 triệu thành viên. Hiện tại, vốn bình quân của mỗi hợp tác xã chỉ vào khoảng 1,5 tỷ đồng.
"Tình hình góp vốn của thành viên vào hợp tác xã chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/hợp tác xã, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong luật hợp tác xã có quy định".
Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Khoảng 1.200 hợp tác xã có tín dụng nội bộ và huy động từ quỹ nhân dân chủ yếu để giải quyết các hoạt động phi nông nghiệp.
Đề cập về hoạt động tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Định thông tin: tổng dư nợ đến năm 2021 của hợp tác xã nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. “Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 hợp tác xã nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển”, ông Định nêu thực tế.
Theo ông Định, khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các hợp tác xã không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom; năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không khuyến khích nông dân, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.
Do đó, cần sửa đổi Nghị định luật tín dụng nội bộ (Thông tư 15 đã hết hạn), quy định góp vốn tối thiểu của thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho hợp tác xã, cần gói tín dụng để giúp nông dân rời bỏ các bẫy tín dụng đen; khuyến khích đầu tư cho hợp tác xã mở rộng thành viên, hợp tác liên kết để tạo thành chuỗi nội bộ sản xuất lớn.
Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, nêu lên thực trạng các hợp tác xã nông nghiệp tại Việt Nam rất khó tiếp cận được với tín dụng ngân hàng. Về nguyên tắc không thể nào cho hợp tác xã vay tín chấp mà phải thế chấp, thế nhưng phần lớn các ngân hàng yêu cầu hợp tác xã phải có tài sản thế chấp thì mới cho vay.
"Trong các hợp tác xã, tài sản đất đai hầu hết là của xã viên chứ không phải của hợp tác xã, tài sản văn phòng, nhà kho, trang thiết bị của các hợp tác xã cũng có giá trị rất thấp. Trong khi 70-80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các hợp tác xã", ông Hải nói.
QUY ĐỊNH ĐANG GÂY KHÓ CHO HỢP TÁC XÃ
Ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước cho rằng hiện tại các ngân hàng định giá đất nông nghiệp trên khung giá do Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp, không phù hợp với thực tế. Ví dụ, một số chi nhánh ngân hàng chính sách đang định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 đồng/m2 đất. Với mức định giá thế này, nhiều nông dân và hợp tác xã không thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.
Là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết măng tre Bát Độ nên ông Cần Hoài Anh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tâm Tính tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, hiểu rất rõ về điều này. "Khi lập kế hoạch xây dựng chuỗi trong 5 năm từ 2022 – 2027, hợp tác xã có hơn 1.000 hộ nông dân tham gia với diện tích vùng nguyên liệu đăng ký trồng là 1.000 ha. Tuy nhiên vì nguồn vốn của hợp tác xã có hạn nên trong năm 2022 mới chỉ hỗ trợ bà con trồng được 50 ha", Giám đốc Hợp tác xã Tâm Tính nói.
Do đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp cho hợp tác xã là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết được vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sớm hướng dẫn và triển khai cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất để được vay vốn, tham gia chuỗi theo Nghị quyết 28 của Ủy ban Dân tộc.
Đồng tình, ông Lâm Quốc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Tiến – Hưng Hội (Bạc Liêu) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội đơn giản hóa thủ tục cho các hợp tác xã vay vốn được thụ hưởng hỗ trợ 2% lãi suất.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đây là một tổ chức đặc thù, bởi các đối tượng và chính sách tín dụng theo chỉ định của Chính phủ, chủ yếu là hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, học sinh sinh viên, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số. Với dư nợ hiện nay là 273.000 tỷ đồng, nhưng với đối tượng doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã, trong gần 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay rất hạn chế.
Hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là các doanh nghiệp và hợp tác xã có thể tham gia để phát triển sản xuất theo chuỗi và phát triển vùng dược liệu quý. Tuy nhiên, hai chính sách này hiện mới dừng lại ở Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan cũng như Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện cơ chế hướng dẫn cho vay.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là công nghệ cao, tín dụng xanh đang là định hướng của Ngân hàng Nam Á. Trong danh mục tín dụng của Nam Á Bank dành cho mảng nông nghiệp, cho đến bây giờ đã chiếm tỷ trọng khoảng 8%, thể hiện sự quan tâm của Nam Á tới các ngành nông nghiệp, nông sản. Đầu năm vừa rồi Nam Á đã ký kết với Tập đoàn Nam Miền Trung để triển khai các chuỗi giá trị liên quan đến ngành tôm Việt Nam. Ngân hàng và Tập đoàn Nam Miền Trung đang phối hợp với các doanh nghiệp khác trong ngành để xây dựng chuỗi giá trị, tài trợ từ người nuôi trồng cho đến khâu xuất khẩu.
Việc cho vay đối với ngành nông nghiệp nông thôn cần phải đi theo chuỗi, từ đó ngành ngân hàng mới có thể mạnh dạn tham gia vốn vào. Những khó khăn hai chiều giữa ngành ngân hàng và các hợp tác xã không dễ giải quyết. Cần đánh giá lại chất lượng hợp tác xã và tính chỉn chu trong các hoạt động để ngân hàng có thể nâng cao tỷ lệ tài sản đảm bảo hoặc tín chấp một phần.