October 22, 2021 | 16:17 GMT+7

USAID to fund Mekong Delta coastal habitat protection

Chu Khôi -

To be implemented over three years from 2021 to 2024 and with a budget of $2.9 million from the United States Agency for International Development (USAID), the “Conservation of Coastal Habitat in the Mekong Delta” project was launched on October 21. The project is expected to improve the sustainability of the local fisheries sector, enhance adaptation to climate change, and improve biodiversity conservation.

Photo: VnEconomy
Photo: VnEconomy

Dự án Bảo tồn Môi trường sống ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khởi động chiều 21/10/2021. Đây là một dự án được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam vào tháng 8/2021.

HỆ SINH THÁI NGƯ NGHIỆP BỊ TÀN PHÁ

Ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN Khu vực Indo-Burma nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam.

Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với mối đe dọa ngày tăng.

"Các khu rừng ngập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long là sinh cảnh và nơi sinh sản cho các loài như cá chẽm, cá hồng và nhiều loài thuỷ sản có ý nghĩa thương mại quan trọng khác cũng như đóng vai trò quan trọng bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi nước biển dâng do bão", ông Jake Brunner nhấn mạnh.

Theo IUCN, các hệ sinh thái ngư nghiệp quan trọng ở đồng bằng đang bị đe dọa nhiều hơn do áp lực môi trường như hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng và nhu cầu khai thác nước ngầm cho nuôi trồng thủy sản và đánh bắt gần bờ đã làm cạn kiệt trữ lượng cá, gây ra các thiệt hại về sinh thái.

Chính vì thế, ông Jake Brunner cho rằng thông qua cơ chế hợp tác với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ban quản lý Khu bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc và cộng đồng ngư dân, dự án sẽ được thực hiện để giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học ven biển và ngành thủy sản, đồng thời tăng cường sức chống chịu vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng tình, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, những người yêu thiên nhiên ở nước ta sẽ rất vui mừng với dự án này. Với những hoạt động sinh kế xã hội ở các địa phương, việc bảo vệ nguồn lợi cho phát triển lâu dài là thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.

Thực tế, tình trạng đánh bắt tại vùng biển gần bờ đang làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, dẫn đến hiện tượng đánh bắt tận diệt tàn phá hệ sinh thái. Năm 2017, hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp ngoài phạm vi lãnh hải quốc gia đã khiến Việt Nam phải nhận Thẻ vàng từ EU. Kể từ đó, hoạt động xuất khẩu thuỷ hải sản sang EU của Việt Nam đã giảm 10%/năm, tương đương với khoản thâm hụt hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Trong khi đó, các khu rừng ngập mặn của đồng bằng, là sinh cảnh và nơi sinh sản cho các loài thuỷ sản có ý nghĩa thương mại quan trọng khác, đang bị giảm đi do vùng bờ bị thu hẹp. 

Các tác động khác của biến đổi khí hậu như hạn hán kéo dài và nhiệt độ trung bình môi trường tăng cao, đang trở nên nghiêm trọng hơn do diện tích rừng ngập mặn và cơ chế điều hòa vi khí hậu của rừng đang bị mất đi, đe doạ hoạt động nuôi tôm thâm canh, buộc nông dân phải bơm và sử dụng nguồn nước ngầm thay thế, dẫn đến hậu quả sụt lún đất và làm hiện trạng rừng ngập mặn bị thu hẹp diễn ra nhanh hơn nữa.

TĂNG SỨC CHỐNG CHỊU CHO VÙNG VEN BIỂN

Theo ông Luân, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 36 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu phát triển sinh kế quốc gia ven biển một cách bền vững, Nghị quyết đề ra định hướng giành 36% diện tích biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đã thể hiện quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất của Trung ương.

Dự kiến kết quả của dự án sẽ góp phần giải quyết các mối đe dọa hệ thống ở Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ các biện pháp đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện, chẳng hạn như Luật Thủy sản sửa đổi, Nghị quyết 36 năm 2018, Nghị quyết 120 và Luật Quy hoạch năm 2019.

 
"Dự án “Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long” (MDC) được triển khai trong 3 năm (2021 – 2024) với nguồn vốn hỗ trợ của USAID, sẽ tập trung triển khai tại các vùng bờ biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất". 
Bà Bùi Thị Hiền, đại diện IUCN.

“Bài học kinh nghiệm xương máu từ bao nhiêu dự án sau khi kết thúc, ra đi không để lại gì. Đơn cử như khi nói về khu bảo tồn Cù Lao Chàm, rất nhiều dự án nằm ở đấy, bao nhiêu nỗ lực của mọi người đổ xuống đấy, nhưng vẫn chậm tạo được sự thay đổi”, ông Luân nêu thực tế.

Niềm mong muốn của người dân là làm sao các dự án phải thực sự tạo ra hiệu quả, làm thay đổi được đời sống người dân, bảo tồn và tăng được nguồn lợi biển và đa dạng sinh học. Vì vậy, đào tạo tập huấn cho người dân là hoạt động rất quan trọng.

“Dự án phải đánh giá cho được việc tham gia của các bên trong bảo tồn biển tại Phú Quốc, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức phải làm cho rõ. Nếu không làm rõ, người ta sẽ chỉ nghĩ đến lợi ích nhiều hơn trách nhiệm”, ông Luân lưu ý.

Theo  bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện IUCN, dự án sẽ tập trung triển khai tại các vùng bờ biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất của đồng bằng dọc theo Biển Đông, Biển Tây, Khu bảo tồn biển Phú Quốc, cũng như tại ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây (Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du).

Các hợp phần chính của dự án bao gồm: Tăng cường quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và các loài hiệu quả hơn; Thiết lập một mạng lưới các khu vực biển do địa phương quản lý để bảo vệ các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển ở ba cụm đảo; Tìm kiếm các giải pháp bảo tồn và mở rộng rừng ngập mặn để gia tăng môi trường sinh sản cho thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học vùng ven biển.

Để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ có các hoạt động hợp tác cùng doanh nghiệp, chính quyền, ban quản lý địa phương, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân để hỗ trợ vấn đề cân bằng giới đồng thời thí điểm và xây dựng các chính sách mới cũng như mở ra các cơ hội về tài chính.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate