Cục quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phân bổ nguồn cát (san lấp) cho dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau.
Theo đó, Cục quản lý Đầu tư xây dựng đề nghị ưu tiên phân bổ 10 triệu m3 cát trong năm 2023 từ ba tỉnh trong khu vực là Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp cho hai dự án thành phần nói trên nhằm bảo đảm dự án thi công đúng tiến độ.
Theo tính toán của Cục quản lý Đầu tư xây dựng, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường hai dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau khoảng hơn 18 triệu m3; riêng trong năm 2023, nhu cầu cát đắp là trên 9 triệu m3 để có thể bảo đảm thi công.
Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã triển khai thi công từ ngày 01/01/2023. Đến nay, mặc dù các đơn vị thi công đã huy động máy móc, thiết bị và tiến hành đào bóc hữu cơ trên toàn tuyến; nhưng 4 tháng trôi qua vẫn chưa có nguồn cát san lấp để đắp nền.
Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư dự án, cùng các đơn vị thi công đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu cát như An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, đề nghị bố trí nguồn cát. Tuy nhiên, các địa phương chỉ mới có kế hoạch dự kiến cung cấp khoảng 3 triệu m3.
Đầu tháng 02/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp đề nghị ba địa phương này bố trí nguồn vật liệu cát cho dự án. Cụ thể: Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh An Giang bố trí khoảng 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp khoảng 7 triệu m3, và tỉnh Vĩnh Long khoảng 5 triệu m3 cát.
Cục quản lý Đầu tư xây dựng cho biết, trên cơ sở số liệu về mỏ vật liệu cát đã được các địa phương quy hoạch, các văn bản và biên bản làm việc của các địa phương về xác định khả năng cung ứng nguồn cát, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long hoàn toàn có đủ nguồn để cung cấp ngay các mỏ vật liệu cát cho các dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Vì vậy, Cục quản lý Đầu tư xây dựng đề nghị Cục Khoáng sản tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước mắt phân bổ nguồn cát từ ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp cho hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với tổng trữ lượng gần 10 triệu m3 trong năm 2023 để bảo đảm tiến độ thi công. Trong đó, tỉnh An Giang là 3,3 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp là 3,3 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long là 2,5 triệu m3.
Trước đó vào giữa tháng 4/2023, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ đã thông báo, trong tổng số khoảng 5 triệu m3 cát san lấp cho các công trình thuộc hai dự án đi qua địa phận Cần Thơ (cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), địa phương này đã thu xếp và tìm đủ 3,5 triệu m3 cát.
Cụ thể, TP. Cần Thơ đã làm việc với tỉnh An Giang, nơi có trữ lượng cát lớn và tỉnh này đã đồng ý dành cho hai địa phương là Cần Thơ và Hậu Giang khai thác hai mỏ cát có trữ lượng trên 7 triệu m3. Với khối lượng dồi dào như vậy, phần cát san lấp phục vụ cho các dự án cao tốc đi qua địa phận Cần Thơ cơ bản đã được giải quyết.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ đã quy định rõ và cho phép các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Trước tình hình khan hiếm nguồn cát vật liệu san lấp, đầu tháng 01/2023, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bốn dự án cao tốc được áp dụng dùng cát biển làm vật liệu san lấp, đắp nền, đó là các dự án: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Mỹ An - Cao Lãnh; trong đó sẽ thí điểm đối với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đoạn Hậu Giang – Cà Mau.