Thị trường tốt lên đáng kể trong phiên chiều, thậm chí 15 phút trước khi bước vào đợt ATC chỉ số còn vượt nhẹ tham chiếu. Tuy nhiên đến cuối VCB, SSB lại suy yếu khiến nỗ lực phục hồi thất bại. Dù vậy cả trăm cổ phiếu đã đổi màu giá thành công so với buổi sáng, cho thấy dòng tiền bắt đáy nâng giá cũng có hiệu lực nhất định.
VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm rất nhẹ 1,96 điểm (-0,16%), tốt hơn nhiều mức giảm 6,82 điểm cuối phiên sáng hay tại đáy mất tới 10,44 điểm. VN30-Index chỉ giảm 0,18 điểm với 11 mã tăng/14 mã giảm. Rổ blue-chips này có tới 18 cổ phiếu tăng giá so với mức chốt buổi sáng, chỉ 4 mã tụt giá.
Lúc 2h15 chiều chỉ số VN-Index đã tăng vượt tham chiếu khoảng 1,6 điểm, nhưng không thể duy trì trạng thái này đến hết ngày. Nguyên nhân là sự kém đồng thuận ở các trụ, nổi bật là VCB sụt giảm 0,67% với tư cách là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Một mã ngân hàng khác là SSB buổi sáng còn tăng 1,76% nhưng từ 2h trở đi cắm đầu giảm. Đóng cửa SSB bốc hơi 5,88%, tức là riêng chiều nay giảm tới 7,51%. Hai cổ phiếu này khiến VN-Index mất tới 1,44 điểm trong tổng mức giảm 1,96 điểm.
Nhịp phục hồi ở chỉ số chiều nay có sự góp sức từ khá nhiều trụ, trong đó nổi bật là VIC và VHM. VHM đảo chiều thành công so với phiên sáng nhờ mức tăng tới 1,9%, đóng cửa tăng 0,47%. VIC chốt phiên sáng giảm 1,74% và chiều nay cũng lấy lại toàn bộ để quay về tham chiếu. HPG riêng buổi chiều cũng tăng 1%, chốt phiên tăng 0,8%. Ngoài ra các mã lớn như BID, CTG, VNM, GAS, VPB cũng có cải thiện giá nhất định.
Diễn biến leo dốc của VN-Index tuy chưa có kết quả cuối cùng là xanh, nhưng cũng tạo ấn tượng tâm lý khá tốt. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên ghi nhận 170 mã tăng/218 mã giảm, tốt hơn nhiều so với phiên sáng (80 mã tăng/298 mã giảm). Ngoài ra nhóm giảm mạnh trên 1% cũng thu hẹp lại còn 74 mã trong khi cuối phiên sáng tới 107 mã.
Ngoài NVL vẫn dư bán giá sàn quy mô lớn, không nhiều cổ phiếu bị bán tháo. Đáng kể nhất chỉ có DIG giảm 2,67% khớp 191,6 tỷ; DBC giảm 1,52% khớp 153,1 tỷ; HDG giảm 1,25% với 148,2 tỷ; VND giảm 1,38% với 113 tỷ; DGW giảm 1,28% với 77,5 tỷ; HAH giảm 1,52% với 74,7 tỷ. Các cổ phiếu còn lại tuy giảm cũng khá mạnh nhưng nhìn chung thanh khoản nhỏ. Tính chung 74 cổ phiếu giảm sâu nhất cuối ngày chỉ chiếm 19% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Phía tăng giá chiều nay đã tốt hơn đáng kể. Đầu tiên là số lượng, cuối phiên sáng chỉ có 27 mã tăng hơn 1%, chiều nay là 59 mã. Thứ hai độ rộng tổng thể cho thấy cả trăm cổ phiếu đảo chiều vượt tham chiếu thành công. Thứ ba là thanh khoản, nhiều cổ phiếu tăng giá với giao dịch khá cao như PDR tăng 1,2% khớp 262,8 tỷ; STB tăng 1,37% khớp 187,1 tỷ; HSG tăng 1,25% khớp 172 tỷ; FTS tăng 2,14% với 138,7 tỷ; PC1 tăng 1,76% với 93,6 tỷ; NKG tăng 1,66% với 86,2 tỷ…
Thực ra diễn biến tích cực của thị trường không nhất thiết phải nhìn từ số lượng cổ phiếu tăng mạnh. Trong xu hướng giảm vẫn đang định hình, nhà đầu tư hiếm khi sẵn lòng đua giá mà quan tâm tới các ngưỡng giá thấp. Việc nâng giá mua ngay cả khi không đủ sức kéo qua tham chiếu thì cũng tạo biên độ phục hồi nhất định. Thống kê trên HoSE, khoảng 26,3% số cổ phiếu đạt biên độ phục hồi từ 2% trở lên so với mức giá thấp nhất buổi sáng. Nếu tính với biên độ phục hồi tối thiểu 1% thì tới 52,3%.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng quay lại mua ròng, dù mức độ rất nhẹ chỉ đạt 49,4 tỷ đồng. Phiên sáng khối này vẫn còn xả ròng 42,3 tỷ. FPT được mua nổi bật với 139,7 tỷ đồng ròng. Tiếp đến là VNM +66,2 tỷ, VHM +36,4 tỷ, PDR +27,4 tỷ, DXG +26 tỷ, CTG +20,4 tỷ. Bên bán ròng có MSN -70,9 tỷ, MWG -60,3 tỷ, HPG -54,5 tỷ, VCB -33,7 tỷ, VCI -28,7 tỷ, TCB -27 tỷ, HDB -26,4 tỷ, VPB -21,8 tỷ…
Thanh khoản phiên chiều không cao, thậm chí giảm nhẹ 6,3% trên HoSE, chỉ đạt 5.446 tỷ đồng. Thanh khoản khá thấp nhưng giá cổ phiếu hồi lại nhiều, tức là áp lực bán có tín hiệu hạ nhiệt.