Chính quyền thành phố Venice vừa công bố kết quả thử nghiệm thu thuế du lịch ngắn ngày, với tổng số tiền thu được lên tới 2.425.310 euro (khoảng 2,64 triệu USD). Theo tờ Time Out, trong thời gian thử nghiệm kéo dài 29 ngày (từ ngày 25/4 đến ngày 14/7), chủ yếu vào cuối tuần và ngày lễ, đã có 485.062 lượt khách du lịch nộp thuế 5 euro khi đến Venice. Con số này bao gồm cả vé vào cửa bằng giấy được bán cho các tour du lịch bằng xe buýt, tàu du lịch và một số công ty lữ hành.
Thị trưởng Luigi Brugnaro khẳng định việc áp thuế du lịch là cần thiết để kiểm soát lượng khách đổ về thành phố. Theo thống kê, 60% khách truy cập trang web mua vé là người Ý, tiếp theo là du khách đến từ Mỹ, Đức và Pháp. Trong số 3.618.114 cá nhân đã đặt vé thì khoảng 1.398.084 người được miễn thanh toán vì có lưu trú tại khách sạn.
Du khách không lưu trú tại Venice được yêu cầu tải xuống mã QR để chứng minh đã nộp thuế. Thời gian trung bình để hoàn thành giao dịch này là 2 phút. Thống kê cũng ghi nhận những người đi tham quan trong ngày và khách du lịch thích ghé thăm thành phố vào thứ Bảy hơn là Chủ nhật.
Các trường hợp miễn trừ khác bao gồm công nhân là những người đã đến thành phố vào những ngày có áp dụng phí, cùng với sinh viên cư dân là những đối tượng không phải trả phí vào cửa. Ngoài ra còn có 78.224 người được miễn vì họ có quan hệ họ hàng với cư dân và 107.146 người được miễn vì những lý do "khác" bao gồm sinh ra ở thành phố, tham gia các hoạt động tôn giáo như chuyến thăm của Giáo hoàng và những người tham gia các sự kiện văn hóa, theo dữ liệu thành phố cung cấp.
Các quan chức Venice ca ngợi việc thu phí vào cửa ngắn ngày tạm thời ở thành phố đã đạt được thành công nhất định. Các biện pháp này đã kiểm soát số lượng người đến tham quan, giảm thiểu tình trạng quá tải du lịch. "Thử nghiệm đã thành công và chúng tôi đã có thể có những định hướng mới trong thời gian tới," Thị trưởng thành phố Venice Luigi Brugnaro cho biết trong cuộc họp báo. Người dân địa phương cũng cho rằng tình trạng đám đông dường như ít hơn đáng kể so với thời điểm chưa thu phí.
Theo hãng CNN, Venice hình thành trên hơn 100 hòn đảo nhỏ ở phía đông bắc nước Ý, được coi là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã xếp thành phố Venice vào danh sách Di sản Thế giới hồi năm 1987, coi đây là một "kiệt tác kiến trúc phi thường". Với dân số chỉ khoảng 50.000 người, thành phố Venice là một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới, ước tính khoảng 3,2 triệu du khách lưu trú qua đêm tại trung tâm lịch sử này vào năm 2022.
Quan chức du lịch hàng đầu của thành phố, Simone Venturini, kiến nghị việc áp thuế sẽ được tiếp tục và tăng cường. Một phát ngôn viên của thành phố tiết lộ, đề xuất tăng gấp đôi phí tham quan lên 10 euro đang được xem xét cho năm 2025. Các quan chức hứa sẽ phạt nặng những người “trốn vé”, nhưng chưa đưa ra mức phạt. Mặt khác, một số người dân thì muốn có các chính sách khuyến khích tái định cư ở trung tâm lịch sử Venice. Sau nhiều thập kỷ bùng nổ du lịch, hiện số lượng giường cho du khách đã nhiều hơn số cư dân chính thức.
Kế hoạch thu phí vào cửa đang được xem là kinh nghiệm đi trước của Italy trong bối cảnh nhiều điểm đến du lịch trên thế giới đang phải vật lộn với số lượng du khách ngày càng tăng. Ngành du lịch toàn cầu hiện góp phần đáng kể vào quá trình phát triển nền kinh tế nhưng cũng gây ra những tác động lớn đối với cộng đồng và làm hư hại các hệ sinh thái và di tích lịch sử. Năm ngoái, UNESCO đã khuyến nghị đưa Venice vào danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa, với lý do du lịch đại chúng và mực nước dâng cao do biến đổi khí hậu.
Châu Âu là lục địa thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất thế giới. Và Venice không phải là thành phố duy nhất tại đây chịu tác động của quá tải du lịch. Ngày càng có nhiều báo cáo về các cuộc biểu tình phản đối du lịch ở Barcelona và các thành phố khác của Tây Ban Nha. Và tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Prague của Czech, cũng như thành phố Amsterdam của Hà Lan, các báo cáo về căng thẳng giữa du khách và người dân địa phương ngày càng chồng chất.
Theo ước tính của Liên minh Châu Âu (EU), du lịch chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối, với khoảng 12,3 triệu người làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, "đây là những con số trừu tượng", Sebastian Zenker, chuyên gia về du lịch và tiếp thị tại Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch), cho biết. “Người dân địa phương không thu được gì từ khoản doanh thu này”. Theo Paul Peeters, nhà nghiên cứu về du lịch và vận tải bền vững tại Đại học Khoa học ứng dụng Breda ở Hà Lan, phần lớn doanh thu thuộc về các hãng hàng không, chuỗi khách sạn lớn, các công ty quốc tế và ngành du lịch biển.
Khi tính toán dòng tiền du lịch, phương thức vận chuyển có thể là yếu tố quyết định. Mọi người trên du thuyền thường ngủ và ăn trên tàu. Những người mua các gói kỳ nghỉ và đặt chuyến bay, khách sạn và bữa ăn thông qua các nhà cung cấp lớn hiếm khi chi nhiều tiền cho các dịch vụ trên mặt đất. Trong khi đó, các hoạt động này lại góp phần gây ô nhiễm và tiêu thụ các nguồn tài nguyên có giá trị như nước, làm tăng thêm gánh nặng cho người dân địa phương, có thể làm trầm trọng thêm cảm giác bất bình đẳng và gây căng thẳng giữa du khách và người dân.
Ở nhiều nơi, các chính trị gia đã bắt đầu hành động. Ví dụ, tại Amsterdam, chính quyền đã cấm việc xây dựng khách sạn mới. Ở Lisbon và Palma de Mallorca (Tây Ban Nha), các nhà chức trách không cấp giấy phép mới cho hoạt động cho thuê bất động sản thông qua các nền tảng trực tuyến như Airbnb. Palma de Mallorca cũng đang áp đặt giới hạn thời gian cho khách du lịch thuê bất động sản. Trong khi đó, Barcelona thông báo, giấy phép cho thuê khoảng 10.000 căn hộ nghỉ dưỡng sẽ hết hạn vào năm 2028, với mục tiêu giảm bớt áp lực lên thị trường nhà đất...