Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024, Inditex đã báo cáo doanh số bán hàng tăng trưởng 7,1% đạt 8,2 tỷ euro. Ngoài ra còn có nhiều danh mục khác được ghi nhận như lợi nhuận gộp trong quý tăng 7,3% lên 4,9 tỷ euro và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 60,6%, tăng 13 điểm cơ bản. Lợi nhuận thực tế của công ty tăng 11,1% lên 1,7 tỷ euro và thu nhập ròng tăng 10,8% lên 1,3 tỷ euro...
Công ty cho biết trong một thông cáo rằng các bộ sưu tập Xuân - Hè của Zara tiếp tục được khách hàng đón nhận nồng nhiệt và doanh số bán hàng tại cửa hàng cũng như trực tuyến trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến ngày 3/6/2024 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý đầu tiên, công ty cũng đã mở nhiều cửa hàng mới tại 28 thị trường khác nhau. Cho đến nay, tập đoàn đang vận hành 5.698 cửa hàng.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, hội đồng quản trị của Inditex sẽ đề xuất mức cổ tức cho năm tài chính 2023 là 1,54 euro/cổ phiếu. Số cổ tức này sẽ được chia làm hai lần thanh toán bằng nhau, mỗi lần là 0,77 euro mỗi cổ phiếu. Trong giai đoạn 2024 - 2026, Inditex sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào các cửa hàng vật lí song song với các hoạt động trực tuyến vì chúng giúp tăng trưởng doanh số. Theo tỷ giá hối đoái hiện tại, công ty dự đoán tác động tiêu cực của tiền tệ lên doanh thu là 2% nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp lại phát triển ổn định.
Đặc biệt, các phiên livestream của Zara tại Trung Quốc đã mang đến những con số kỷ lục về lượt xem và doanh thu. Trên đà thành công đó, thương hiệu dự định mở rộng mô hình mô hình livestream thương mại điện tử này sang Hoa Kỳ, Anh và Châu Âu vào cuối năm nay. Công ty phân tích bán lẻ Edited tiết lộ rằng kể từ khi bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, các buổi livestream hàng tuần kéo dài 5 giờ của Zara trên nền tảng Douyin đã giúp doanh số bán hàng của thương hiệu này tăng trưởng một cách ngoạn mục.
“Không chỉ đơn thuần có mặt trên mọi nền tảng số, Zara đã tận dụng tất cả các điểm tiếp xúc với khách hàng để mang đến một trải nghiệm mua hàng liền mạch và dễ dàng”, Sophie Coulon, chuyên gia marketing kiêm giám đốc điều hành tại công ty tư vấn kỹ thuật số VO2 Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ. “Tại các thị trường trẻ, nơi mà tương tác trên mạng xã hội, đặc biệt là các video ngắn và livestream đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, cơ hội dành cho các thương hiệu thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần”.
Tương tự Inditex, công ty mẹ của hãng thời trang đường phố khổng lồ Uniqlo của Nhật Bản mới đây đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận ròng cả năm lên mức kỷ lục, với lý do doanh số toàn cầu tăng mạnh. Gã khổng lồ bán lẻ Fast Retailing hiện dự kiến sẽ kiếm được 320 tỷ Yên (2,1 tỷ USD) trong năm tính đến tháng 8, tăng so với ước tính trước đó là 310 tỷ Yên. Tập đoàn cũng đạt được lợi nhuận hoạt động cả năm là 450 tỷ Yên trên doanh thu 3,03 nghìn tỷ Yên, cả hai đều sẽ là con số kỷ lục nếu thành hiện thực.
Công ty cho biết lợi nhuận hoạt động và doanh thu trong nửa đầu năm đến tháng 2 "thể hiện hiệu suất hợp nhất kỷ lục mới, chủ yếu nhờ lợi nhuận nửa đầu năm cao hơn đáng kể từ các hoạt động của Uniqlo ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á". Fast Retailing cho biết thêm, thương hiệu quần áo GU giá rẻ là một động lực chính khác cho sự mở rộng của tập đoàn bán lẻ. Trong sáu tháng tính đến tháng 2, công ty đã đạt lợi nhuận ròng 195,9 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hoạt động đạt 257,0 tỷ yên, tăng 16,7%.
Trên thực tế, mặc dù được kỳ vọng là thế hệ thúc đẩy tiêu dùng bền vững nhưng nhiều Gen Z vẫn ngả nghiêng giữa 2 lựa chọn thời trang nhanh và xanh. Khảo sát về Gen Z năm 2023 của Deloitte chỉ ra rằng vấn đề về môi trường là một trong những mối lo ngại hàng đầu của 60% thế hệ này. Song cũng theo khảo sát, chỉ 33% Gen Z đã giảm thiểu chi tiêu cho thời trang nhanh và 25% Gen Z dự tính làm điều đó.
Trừ khi người tiêu dùng mua đồ đã qua sử dụng, thời trang bền vững thường đi kèm với mức giá đắt đỏ, vì bên cạnh chất liệu sản phẩm, các thương hiệu cũng phải đầu tư đáng kể vào bao bì, công nghệ, môi trường lao động lành mạnh, khiến giá thành bị đẩy lên cao. Trong khi khoảng 59% Gen Z được Deloitte khảo sát cho biết sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững, hơn một nửa (53%) cho rằng điều đó sẽ không diễn ra nếu bối cảnh kinh tế hiện tại không thay đổi.
Còn theo Boston Consulting Group (BCG), thị trường ngành thời trang nhanh toàn cầu đã đạt gần 200 tỷ euro vào năm 2022, dự kiến sẽ vượt qua mốc 250 tỷ euro vào năm 2028, tức là hàng năm sẽ tăng khoảng 3,8%. Cũng không có gì khó hiểu khi thời trang nhanh vẫn có sức hút nhất định với người mua, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Thời trang nhanh giá rẻ cũng hấp dẫn người tiêu dùng nhờ vào nghệ thuật marketing. Các hãng thời trang fast fashion đầu tư rất nhiều cho các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt qua các influencer (người ảnh hưởng), qua thủ thuật bán đại hạ giá (thậm chí một số nhãn hiệu thời trang còn đặc biệt sản xuất các sản phẩm chỉ để bán hạ giá). Một số thủ thuật thao túng tâm lý khác cũng được sử dụng, như đẩy giá gốc lên cao để làm người mua “hoa mắt” vì giá giảm, hay các khẩu hiệu quảng cáo nhấn mạnh việc mua hàng thật nhanh để được ưu đãi.
Bên cạnh đó, các thương hiệu này còn sử dụng các trò chơi tương tác, cho phép khách hàng đổi điểm để mua hàng khi tham gia các chương trình trên ứng dụng, từ trò chơi, xem phát trực tiếp, thu hút khách hàng mới… Nhằm ứng phó với xu hướng mua sắm bền vững, một số thương hiệu cũng đã đề ra nhiều giải pháp thích nghi, chẳng hạn: sản xuất theo lô nhỏ, minh bạch quy trình sản xuất, ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế và nguyên liệu địa phương trong thiết kế…
Chính vì vậy, khi bức tranh kinh tế vẫn chưa thể khởi sắc, việc các công ty này tiếp tục mở rộng danh mục hàng hóa, mức giá và phân khúc người tiêu dùng có thể sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thời trang nhanh. Xu hướng thắt chặt chi tiêu có thể vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, và việc các công ty này tận dụng xu hướng “giao dịch giảm giá” trong hành vi mua sắm, được dự đoán sẽ vẫn thu hút số đông người tiêu dùng.