October 29, 2023 | 14:19 GMT+7

Vì sao hai nhà máy đường ngừng hoạt động khi vụ thu hoạch mía mới bắt đầu?

Chu Khôi -

Vụ sản xuất đường mới bắt đầu từ cuối tháng 10, thế nhưng đã có 2 nhà máy công bố ngừng hoạt động trong niên vụ sản xuất mía đường 2023-2024. Đây là hiện tượng được coi là “bất thường”, bởi năm nay giá đường trên thế giới và Việt Nam cao ngất ngưởng, các nhà máy đường đạt lợi nhuận cao…

Diện tích trồng mía ngày càng suy giảm.
Diện tích trồng mía ngày càng suy giảm.

Trong giai đoạn từ năm 2018 trở về trước, cả nước có 41 nhà máy mía đường hoạt động. Từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN (ATIGA) thực thi, ngành mía đường Việt Nam do yếu thế cạnh tranh, đã có 17 nhà máy ngừng sản xuất hoặc phá sản, chỉ còn 24 nhà máy mía đường hoạt động trong thời gian từ năm 2019 đến tháng 5/2023.

 DỪNG HOẠT ĐỘNG DO NỢ THUẾ VÀ KHÔNG HIỆU QUẢ

Cuối tháng 9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định về việc ngừng hoạt động toàn bộ dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn trong thời gian 3 tháng. Quyết định nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến việc ngừng toàn bộ dự án là do trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình làm ăn không hiệu quả, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.

Nhà máy mía đường Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2015. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 140 tỷ đồng. Ban đầu dự án được đóng tại phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, sau đó được di dời đến xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình.

Cục Thuế tỉnh Hòa Bình thông tin, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đang nợ 7,4 tỷ đồng tiền thuế. Đơn vị này đã được khoanh nợ vào năm 2020 do doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ. Về thực trạng hoạt động, trong cuộc kiểm tra tình hình triển khai dự án vào ngày 12/9 của đoàn công tác tỉnh Hòa Bình, nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đang trong tình trạng cửa đóng then cài, cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Theo ông Bùi Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình bắt đầu đi vào hoạt động tại địa phương từ năm 2016. Thế nhưng, chỉ được một năm, công ty nợ tiền thu mua nguyên liệu của người dân, từ đó đến nay vẫn chưa trả cho dân.

"Hiện số nợ của công ty mía đường Hòa Bình đối với người dân của xã Tân Mỹ vào khoảng 1,2 tỷ đồng (tiền mua nguyên liệu). Có rất nhiều hộ phải vay vốn ngân hàng để trồng mía, việc đơn vị thu mua không trả tiền khiến cho các hộ dân lâm vào cảnh nợ nần", ông Toàn bức xúc.

 

"Niên vụ 2022-2023 vừa qua Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 14.516 tấn mía (kế hoạch ban đầu là 80.000 tấn), với kết quả hoạt động lỗ trên 21,3 tỉ đồng (kế hoạch ban đầu là lãi 2,02 tỉ đồng)".

Theo báo cáo của Casuco.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 19/10/2023, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) ra Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thống nhất phương án dừng sản xuất niên vụ 2023-2024 của nhà máy đường Phụng Hiệp, tại tỉnh Hậu Giang  - đây là nhà máy sản xuất đường lớn nhất miền Tây.

Thông tin này được xác thực tại văn bản số 31/NQ-CASUCO/2023 về Nghị quyết ĐHĐCĐ Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ được ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco ký cùng ngày. Theo đó, bên cạnh tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp, Casuco sẽ thực hiện giải quyết lao động theo quy định và các tồn tại có liên quan.

Vào tháng 9/2023, Casuco đã đưa ra hai phương án sản xuất cho Nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024. 

Phương án 1: Tiếp tục chạy nhà máy với điều kiện giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục (tối thiểu 2.200 đồng/kg ở thời điểm xây dựng phương án); sản lượng thu mua đảm bảo công suất dao động từ 2.300-2.500 tấn/ngày.

Phương án 2: Tạm dừng sản xuất đối với Nhà máy đường Phụng Hiệp niên vụ 2023-2024. Tổng chi phí hạch toán khi tạm dừng sản xuất là hơn 26,5 tỷ đồng, gồm các chi phí về khấu hao nhà máy, giải quyết nhân sự nghỉ việc, bảo dưỡng, bảo vệ.

NÔNG DÂN ĐÒI GIÁ MÍA 2,2 TRIỆU ĐỒNG/TẤN, NHÀ MÁY ĐƯỜNG “THÚC THỦ”

Trong bối cảnh giá đường thế giới và trong nước đang tăng cao nhất 12 năm qua, việc Nhà máy Phụng Hiệp dừng sản xuất khi vụ thu hoạch mía mới bắt đầu, được coi là hiện tượng bất thường đối với ngành mía đường. Giá đường trên thế giới hiện đang ở gần ngưỡng 600 USD/tấn, tăng 11% so với đầu năm, và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, hiện nay giá đường tiêu dùng trong nước đã lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg, giá đường bán buôn tại kho của các nhà máy mía đường cũng đã lên mức 23.000 đồng/kg, trong khi cuối năm 2022 chỉ ở mức giá 18.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân phải dừng hoạt động Nhà máy đường Phụng Hiệp, Casuco cho biết trong niên vụ sản xuất 2022-2023, giá thu mua của Casuco từ 1.380-1.420 đồng/kg (thuộc loại cao nhất trong nước – người trồng mía đã có lãi).

Tuy nhiên, hiện nay nông dân ở Hậu Giang đồng loạt yêu cầu Nhà máy phải trả giá mua mía 2.200 đồng/kg. Nhà máy Phụng Hiệp từ chối yêu cầu này, nên nông dân đã từ chối bán mía cho nhà máy, thay vào đó họ bán mía nước (mía chục) với giá 2.200-3.200 đồng/kg, hoặc bán cho các lò thủ công với giá 1.600-1.700 đồng/kg; bán đi Long An, Tây Ninh tiêu thụ có giá hơn 1.400-1.470 đồng/kg.

“Mặc dù người dân trồng mía đã nhận đầu tư từ công ty nhưng đến thời điểm thu hoạch mía, bà con nông dân lại phá vỡ hợp đồng, không giao mía cho Casuco như đã cam kết. Nông dân đã  chọn các đầu ra không ổn định nhưng có giá cao hơn thay vì đầu ra ổn định (hợp đồng đầu tư/bao tiêu với nhà máy) nhưng có giá thấp hơn”, Casuco nêu thực trạng.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nhận định: Nông dân từ chối bán mía cho nhà máy đường Phụng Hiệp, chuyển sang bán mía ở chỗ khác với giá cao hơn 2.200 USD/kg, điều đó có nghĩa là người nông dân đã có đầu ra tiêu thụ với giá tốt hơn. Còn với nhà máy, với giá mua mía như vậy sẽ dẫn đến giá thành đường từ mía sẽ cao hơn giá đường trên thị trường, như vậy là không hiệu quả.

 

"Việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp cũng không ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung, vì năm ngoái nhà máy cũng chỉ ép được 14.000 tấn mía, chỉ chiếm 0,14% sản lượng đường của cả nước".

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA),

“Việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp không ảnh hưởng gì đến nông dân và là quyết định rất khó khăn đối với Casuco. Việc tạm dừng sản xuất nhà máy Phụng Hiệp là phương án hợp lý đối với Casuco trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Lộc nhận định.

“Việc tạm dừng hoạt động nhà máy của Casuco là hợp lý trong hoàn cảnh công ty, và cũng phù hợp với Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới. Khi chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém là phù hợp với quy luật kinh tế thị trường”, ông Lộc nhận định.

Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang cho thấy, những năm gần đây, do lợi nhuận từ cây mía rất thấp, nên rất nhiều nông dân đã ngừng trồng mía, chuyển sang trồng các loại cây khác. Niên vụ mía 2022-2023, địa phương xuống giống được 3.286ha mía, giảm 14,48% so với niên vụ trước, phân bổ tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đến hết tháng 9/2023, đã thu hoạch được 1.414ha (chủ yếu bán mía nước).

Theo VSSA, diện tích trồng mía của cả nước đã giảm mạnh từ gần 200.000ha vào thời điểm năm 2015, xuống chỉ còn hơn 120.000ha trong niên vụ 2022-2023. Trong đó, các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long từng là vùng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha, nhưng mấy năm nay diện tích mía tại vùng này giảm mạnh, hiện chỉ còn 16.000ha.

Trước đây, Đồng bằng sông Cửu Long có 10 nhà máy đường hoạt động, đến năm 2022 chỉ còn 3 nhà máy ở Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh hoạt động, nhưng chỉ còn chiếm 2% sản lượng đường sản xuất của toàn ngành.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate