June 02, 2022 | 17:46 GMT+7

Việt Nam có nhiều tiềm năng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Vũ Khuê -

Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh, nhưng cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao...

“Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam” được công bố ngày 2/6.
“Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam” được công bố ngày 2/6.

“Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam”, do Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam (Bộ Công Thương) thực hiện đã được công bố ngày 2/6.

Báo cáo chỉ rõ, trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vào khoảng 7% và là nền kinh tế đang phát triển, dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng khí thải cacbon.

Do đó, Việt Nam cam kết trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một bước tiến quan trọng.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, báo cáo khuyến nghị, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

Báo cáo phân tích, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng không, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050.

Chi phí hệ thống điện sẽ dịch chuyển theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả các kịch bản và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Do đó, việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là tối cần thiết.

Ngoài ra, khuyến nghị của báo cáo cho rằng, Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ sau năm 2030 pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Pin lưu trữ hiện nay vẫn có chi phí đắt đỏ và chưa cần thiết tại Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn do các nhà máy thủy điện và nhiệt điện đang vận hành có thể cung cấp dịch vụ cân bằng cho hệ thống điện.

Nhưng trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc. Phân tích cho thấy chi phí truyền tải thực tế không quá tốn kém. Tăng cường công suất truyền tải trước sau cũng là việc cần phải làm, và do đây là công nghệ đã chín muồi nên cần được lựa chọn đầu tiên. Hệ thống pin lưu trữ năng lượng có thể chờ sau.

Báo cáo cũng đề xuất, Việt Nam cần sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Điện khí hóa trực tiếp đóng vai trò chủ chốt với khoảng 80% nhu cầu vận tải hành khách và 50% nhu cầu vận tải hàng hóa cần được điện khí hóa vào năm 2050. Việt Nam cần bắt đầu loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025, chuyển dần sang các phương thức vận tải công cộng, đồng thời chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt chạy điện.

Việc hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng không sẽ giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu.

Tính toán báo cáo cho thấy, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng cao trong thập kỷ tới. Dự kiến đến 2050, tỉ trọng nhiên liệu nhập khẩu có thể lên đến 70% tổng cung năng lượng trong kịch bản cơ sở, tương đương với chi phí 53 tỷ USD.

Giảm nhập khẩu nhiên liệu hướng tới mức phát thải ròng bằng không đồng nghĩa với việc hệ thống năng lượng cũng sẽ giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá nhiên liệu. Phân tích cho thấy, khi giá LNG tăng 20% sẽ dẫn đến giảm 50% nhu cầu LNG của ngành điện. Nhu cầu sử dụng LNG thậm chí còn thấp hơn mức này nếu giá LNG tăng cao hơn nữa.

Báo cáo cũng nhận định, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Do đó, Đan Mạch rất vui được chia sẻ với các đối tác Việt Nam về các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất mà Đan Mạch đã có được trong suốt 30 năm qua.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh và cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng nhất, đúng thời hạn và với chi phí thấp nhất vì lợi ích của đất nước, người dân và đặc biệt là vì khí hậu toàn cầu”, ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate