December 23, 2021 | 07:50 GMT+7

Việt Nam phấn đấu Top 3 ASEAN về an toàn thông tin mạng

Phạm Vinh -

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp an toàn thông tin từ 35%-45%/năm, đạt doanh thu trên 500 triệu USD vào năm 2025 và thị phần trong nước trên 50% trong năm 2025…

Hàng loạt tin nhắn/SMS giả mạo cơ quan nhà nước, ngân hàng kèm theo đường link giả mạo... liên tục diễn ra trong thời gian qua.
Hàng loạt tin nhắn/SMS giả mạo cơ quan nhà nước, ngân hàng kèm theo đường link giả mạo... liên tục diễn ra trong thời gian qua.

Trong năm 2021, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân từ các ứng dụng phòng, chống Covid-19 đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời chỉ đạo ngay các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành phối hợp khắc phục ngày các sự cố mất an toàn thông tin.

DOANH NGHIỆP AN NINH MẠNG CẤP PHÉP MỚI CÒN HẠN CHẾ

Trong báo cáo tổng kết năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin được cấp phép mới năm 2021 còn hạn chế do việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin mạng cho thị trường cần phải đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đồng thời, đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên cần phải quản lý tốt việc cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có các chính sách và biện pháp tiếp tục tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển hoàn thiện các chủng loại sản phẩm, các doanh nghiệp tham gia thị trường an toàn thông tin mạng. 

Ngoài ra trong lĩnh vực an ninh mạng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông là xây dựng và vận hành hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ; Hệ thống Thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử; Hệ thống tự động phân tích hành vi và hỗ trợ xử lý mã độc; Hệ thống Phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo về hoạt động kiểm định an toàn thông tin.

Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực thi Internet an toàn; Cổng Không gian mạng quốc gia; hệ thống dán nhãn tín nhiệm Website; Tổ chức chương trình và trao thưởng khai thác lỗ hổng trên các nền tảng số Make in Viet Nam; Tổ chức 02 cuộc diễn tập thực chiến quy mô quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin không gian mạng Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị camera giám sát thông minh.

Trong kế hoạch trung hạn đến năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phấn đấu hỗ trợ, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam đạt từ 35% - 45%/năm; Xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Doanh thu và lợi nhuận lĩnh vực an toàn thông tin tăng trưởng đều qua các năm (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông).
Doanh thu và lợi nhuận lĩnh vực an toàn thông tin tăng trưởng đều qua các năm (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông).

Đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN về an toàn thông tin mạng, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trên 70%. Doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025. Thị phần trong nước đạt trên 50%.

Đặc biệt, phấn đấu đạt mục tiêu 100% thiết bị đầu cuối của cơ quan quản lý nhà nước được cài đặt giải pháp bảo vệ và 100% hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp độ 3, 4, 5 được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ vào năm 2025.

Trong đó, chuyển từ tư duy “bảo đảm an toàn thông tin mạng” sang tư duy “bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam”. Xây dựng chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Phát triển và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp kết hợp phương thức quản trị rủi ro dựa trên cấp độ an toàn hệ thống thông tin tại các bộ, ngành, địa phương.

RÀ SOÁT LỖ HỔNG, XỬ LÝ TIN NHẮN, CUỘC GỌI RÁC

Trong chiến lược phát triển, chỉ huy an toàn không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện rà quét lỗ hổng bảo mật; Nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ứng dụng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng; Trung tâm R&D về an toàn thông tin mạng tạo môi trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới. 

Ngành Thông tin và Truyền thông cũng triển khai hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin; Quản lý tên định danh quốc gia; Quản lý danh sách không quảng cáo; Tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Quản lý danh sách đen địa chỉ IP; Đánh giá, kiểm định an toàn thông tin và công bố các sản phẩm đạt chuẩn.

Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng.

Lần đầu tiên, Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. 

Ngày 11/6/2021, Bộ đã ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn và ngày 28/10/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố xếp hạng mức độ bảo đảm an toàn thông tin các bộ, ngành địa phương năm 2020. Bộ cũng tham gia công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động rà quét không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin cho Đại hội Đảng lần thứ XIII và Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND trong năm 2021; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành “Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19” nhằm hướng dẫn một số kỹ năng về làm việc từ xa an toàn, học trực tuyến an toàn, giải trí an toàn giúp người dùng Internet có thể bảo đảm an toàn thông tin khi kết nối trực tuyến và tài liệu Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy, học trực tuyến...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate