July 14, 2021 | 10:41 GMT+7

Vietnam to study digital currency

Phuong Hoa -

The Vietnamese Government has assigned the State Bank of Vietnam to lead research into and implement the use of digital currency based on blockchain technology in the 2021-2023 period. This is viewed as a major step forward in the country staying abreast of global trends in Central Bank Digital Currency (CBDC).

Source: Vneconomy
Source: Vneconomy

Chính phủ vừa giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong giai đoạn 2021-2023. Đây là một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu hướng nghiên cứu, phát triển và thí điểm tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) đang diễn ra trên toàn cầu.

XU THẾ MỚI ĐƯỢC NHIỀU NƯỚC HƯỚNG TỚI

Là người nghiên cứu sâu về công nghệ blockchain, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), khẳng định tiền kỹ thuật số là một xu thế phát triển tất yếu.

Theo Tiến sĩ Tuấn, hiện nay, một số nước trong khu vực đã thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Nhiều nước trên thế giới như các quốc gia EU đang có xu hướng sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số để thay thế dần đồng tiền giấy truyền thống. Đồng tiền kỹ thuật số sẽ là đồng tiền pháp định của Nhà nước phát hành chứ không phải là các đồng coin đào trên mạng.

 
CBDC có vai trò như tiền truyền thống, nhưng ở dạng số, được phát hành và quản lý bởi Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ước tính, trong vòng 3 năm tới, khoảng 20% dân số thế giới có thể tiếp cận được CBDC.

Việc đề cập nghiên cứu thí điểm ở thời điểm hiện tại có hơi chậm so với một số nước trên thế giới nhưng nhìn về tổng thể, trên thực tế chưa có nhiều nước áp dụng triển khai tiền kỹ thuật số. Việc phát triển CBDC chắc chắn sẽ xảy ra và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện.

Từ thực tế xét trên góc độ toàn cầu, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho biết quá trình phát hành đồng CBDC có sự khác biệt lớn giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước mới nổi, có thể chia thành ba nhóm chính.

Cụ thể, nhóm tiên phong bao gồm các quốc gia như Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay, Barbados, Bahamas… Trong đó, Trung Quốc đã phát hành đồng CBDC dựa trên cơ chế hai tầng, phục vụ bán buôn và bán lẻ, thử nghiệm bắt đầu từ cuối năm 2020.

Nhóm ủng hộ tích cực và đang nghiên cứu phát hành như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Pháp, Ảrập Xêút và Các tiểu vương quốc Ảrập (UAE), Campuchia, Ecuador, Đông Caribê, Canada, Thái Lan, Singapore…

Nhóm thận trọng xem xét gồm có Mỹ, Đức, Anh, Nga… bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro do CBDC mang lại đối với sự ổn định tài chính, cấu trúc ngân hàng, sự gia nhập của các tổ chức phi ngân hàng trong hệ thống tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ.

ĐƯA VND THÀNH ĐỒNG TIỀN KỸ THUẬT SỐ CÓ CHỦ QUYỀN

Tiền kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích, tính năng ưu việt hơn so với tiền giấy truyền thống, giảm chi phí phát hành, in ấn, vận chuyển, kiểm kê, bảo quản...

 
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn
"Dựa trên công nghệ bkockchain, đồng tiền kỹ thuật số có thể được áp dụng trong các hợp đồng thông minh (Smart Contract); mở ra các dịch vụ tiện ích thông minh mới mà đồng tiền giấy khó có thể làm được".

Nhấn mạnh điều này, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cho rằng dựa trên công nghệ bkockchain, đồng tiền kỹ thuật số có thể được áp dụng trong các hợp đồng thông minh (Smart Contract); mở ra các dịch vụ tiện ích thông minh mới mà đồng tiền giấy khó có thể làm được.

Ngoài ra, đồng tiền kỹ thuật số cũng giúp kiểm soát tốt hơn vấn đề tiền giả, các hoạt động vi phạm khác như rửa tiền, tài trợ khủng bố…

Việc thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain sẽ mở ra cơ hội cho các đơn vị chuyên nghiên cứu về blockchain cũng như công nghệ tài chính Fintech.

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, nghiên cứu và phát triển CBDC được coi là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa VND trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc chạm gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế số đến năm 2030 và xa hơn.

Bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác.

Đồng CBDC trên nền tảng công nghệ blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của Ngân hàng Nhà nước sẽ mang lại những lợi ích và tác động dài hạn, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ có điều kiện phát triển tốt hơn như huy động vốn cộng đồng (crowd-funding), các dịch vụ fintech…

Phân tích sâu về những lợi ích này, ông Lực cho rằng đồng CBDC thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, đồng CBDC còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.

Đồng thời, đồng CBDC tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.

NGHIÊN CỨU KỸ, THẬN TRỌNG, CÓ BƯỚC ĐI PHÙ HỢP

Tất nhiên, bên cạnh những lợi ích, các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro, thách thức khi triển khai tiền kỹ thuật số.

 
Tiến sĩ Cấn Văn Lực
Tiến sĩ Cấn Văn Lực
"Tôi hiểu là Việt Nam sẽ theo cách tiếp cận khá thận trọng trong vấn đề này vì còn quan ngại những rủi ro. Nhưng theo tôi, cần có lộ trình dài hơi, chứ 2-3 năm thí điểm thì nhanh lắm và lại càng ngắn đối với những vấn đề mang tính chiến lược cao như quản lý, phát triển đồng tiền CBDC này".

Đó là mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều, hoặc những rủi ro ảnh hưởng uy tín đến các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi, vi phạm xảy ra.

Bên cạnh đó là những rủi ro kỹ thuật và thách thức đối với điều hành của Ngân hàng Trung ương và các cơ quan quản lý, nhất là đối với giao dịch xuyên biên giới.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phát triển tiền kỹ thuật số cũng như các ví điện tử chính là vấn đề an toàn thông tin. Việc sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain đã hạn chế rất nhiều những lo ngại này nhưng theo Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Việt Nam vẫn phải có những phương án cụ thể để đảm bảo an toàn thông tin bảo mật nếu khi phát triển ứng dụng tiền kỹ thuật số cho các hoạt động thanh toán.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cần mở rộng hơn nữa hạ tầng Internet. Mặc dù độ phủ Internet ở Việt Nam hiện nay đã rất rộng đến các khu vực, vùng miền trên cả nước nhưng ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế.

Chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến cáo Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp nhưng “cũng không nên quá bảo thủ, quá thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia”. “Khi mở ra, tiền kỹ thuật số có thể sử dụng cho mọi giao dịch, nhưng nên bắt đầu bằng thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng, rồi sau đó mới nhân rộng”, chuyên gia này gợi ý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate