Số ca mắc tăng lên cộng thêm thông tin phát hiện H5N1 trong sữa tươi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đại dịch cúm gia cầm bùng phát. Đầu tháng qua cộng đồng khoa học đưa ra nhận định một đại dịch như vậy sẽ tồi tệ hơn Covid-19 gấp trăm lần. Tiến sĩ Suresh Kuchipudi (Đại học Pittsburgh) cho biết: “H5N1 đã đứng đầu danh sách virus có thể gây bùng phát đại dịch trong nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ”.
Theo Tiến sĩ Zhang Wenqing – người đứng đầu Chương trình kiểm soát cúm toàn cầu của WHO - sữa tươi lấy từ bò mắc bệnh “chứa lượng virus cao”. Giới nghiên cứu đang tìm hiểu H5N1 tồn tại bao lâu trong sữa. Sữa tươi vốn không an toàn vì chứa nhiều mầm bệnh khác như salmonella, listeria hay E.coli. Nhà khoa học WHO Jeremy Farrar không loại trừ khả năng H5N1 tồn tại trên thiết bị vắt sữa hoặc trong môi trường nuôi và lưu ý rằng cúm gia cầm do H5N1 gây ra có tỷ lệ tử vong cực kỳ cao.
Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác định từ năm 2003 đến năm 2019, toàn cầu có 861 ca mắc H5N1 và 455 ca tử vong (tỷ lệ tử vong 53%). Ông Farrar cảnh báo: “Mối lo lớn nhất là virus tiến hóa và phát triển khả năng lây từ động vật sang người, sau đó từ người sang người”. Nhà khoa học của WHO nhắc nhở cần chuẩn bị năng lực ứng phó ngay lập tức bằng vaccine, phương pháp chuẩn đoán và điều trị phòng kịch bản virus lây được từ người sang người.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng sự bùng phát dịch cúm gia cầm ở các loại gia súc có thể nghiêm trọng hơn những gì người ta thông tin ban đầu. Trong một bản cập nhật trực tuyến ít người biết đến trong tuần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hiện có bằng chứng cho thấy virus này thậm chí đang lây lan từ bò sang bò hay dê, và từ bò sang gia cầm. Theo The New York Times, mối quan ngại hiện hữu là virus dường như đang đi tìm những vật chủ mới và tình trạng virus lan sang nhóm động vật có vú đồng nghĩa rằng, chúng đang tiến gần hơn đến con người.
Theo đó, các quan chức ở Bắc Carolina đã phát hiện một đàn gia súc nhiễm cúm gia cầm mà không có triệu chứng. Tính đến chiều 19/4, đợt bùng phát ở bò sữa đã lan tới 32 đàn ở 8 bang: Texas, New Mexico, Michigan, Kansas, Idaho, Ohio, North Carolina và South Dakota. Vẫn chưa có bằng chứng cho thấy liệu ở các nơi khác trên nước Mỹ có động vật nhiễm bệnh mà không có triệu chứng hay không bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ không yêu cầu các trang trại làm xét nghiệm cho gia súc.
Tuần này, Bộ sẽ bắt đầu cho xét nghiệm những con bò không có triệu chứng ở các trang trại khác. Tuy nhiên, họ lại không tích cực theo dõi tình trạng lây nhiễm ở lợn, vốn là vật chủ nổi tiếng có khả năng phát triển virus cúm và thường được nuôi gần gia súc. Theo Ủy ban Thú y Texas, virus có thể đã được truyền bởi người hoặc động vật tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm sữa chứa virus. Caitlin Rivers, nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết việc xét nghiệm rộng rãi trên động vật có và không có triệu chứng là rất quan trọng ngay từ đầu các đợt bùng phát để hiểu được quy mô và cơ chế lây truyền virus.
"Việc lây nhiễm từ chim sang bò, bò sang bò và bò sang chim đã được ghi nhận trong các đợt bùng phát hiện tại, gợi ý rằng virus này có thể đã tìm thấy những con đường lây lan khác ngoài con đường mà chúng ta đã biết,” bà Zhang nói trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ). "Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hành an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã tiệt trùng”.
Kể từ khi chính quyền liên bang Mỹ công bố dịch cúm gia cầm bùng phát tại các trang trại bò sữa vào cuối tháng 3, họ đã nhiều lần trấn an công chúng rằng làn sóng lây nhiễm không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm hoặc sữa của quốc gia và gây ra ít rủi ro cho công chúng. Trong tuyên bố chung vào tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã đảm bảo với công chúng rằng sữa tiệt trùng là an toàn.
Nhưng Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết vẫn đang tiến hành các thử nghiệm để xác định xem liệu quá trình này có loại bỏ được virus hay không. Cơ quan này từ chối khẳng định khi nào sẽ có kết quả từ những xét nghiệm đó.
Một số chuyên gia cho rằng các cơ quan không nên khẳng định rằng sữa là an toàn trước khi họ có trong tay dữ liệu, mặc dù khả năng rủi ro đối với người dân chỉ là rất nhỏ. Tiến sĩ Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho rằng, phản ứng của liên bang cho đến nay vẫn lặp lại những sai lầm trong thời kỳ đại dịch: "Có vẻ như họ học được rất ít từ những bài học mà Covid-19 đã dạy chúng ta".
Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy A/H5N1 lây lan từ người sang người. Theo WHO, sẽ có gần 20 loại vaccine ngừa cúm A/H5N1 được cấp phép sử dụng nếu xảy ra đại dịch và những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cụ thể đang lưu hành.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế vẫn liên tục đưa ra cảnh báo về cúm gia cầm khi mà từ đầu năm 2024 đến nay đã có 1 ca tử vong do cúm gia cầm H5N1 và xuất hiện ca mắc cúm A/H9 đầu tiên. Hầu hết tất cả các trường hợp nhiễm H5N1 ở người đều có liên quan đến việc tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh.
Virus cúm A/H5N1 có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân của gia cầm bị bệnh. Khi phân khô và chuyển thành dạng bột, người có thể hít phải chúng và gây ra cúm gia cầm. Có 15 chủng khác nhau của virus cúm, chủng H5N1 là một loại gây bệnh cho người. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người, virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỉ lệ cao.