Ban Thường vụ Huyện ủy Vụ Bản vừa tổ chức hội nghị gặp mặt, giao lưu với Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo Thành Nam đến thăm và làm việc tại huyện. Đoàn do PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm Trưởng đoàn. Cùng đi có ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí và hơn 20 nhà báo có quê hương Nam Định, hiện làm việc tại Hà Nội.
NỖ LỰC CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ
Thông tin tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Xung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất chung của các ngành trên toàn huyện Vụ Bản đạt 13,43%. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của huyện Vụ Bản trong năm 2023 ước đạt 1.687 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng lúa và rau màu cả năm đạt 18.296 ha, giảm 280 ha so với năm 2022.
Trong những năm qua, huyện Vụ Bản đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dịch vụ, thương mại và du lịch. Giá trị dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn huyện đạt 1.666 tỷ đồng trong năm 2023.
Năm 2024, huyện Vụ Bản tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng 13,5-14,5%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,87%.
Một trong những trụ cột phát triển quan trọng của huyện Vụ Bản là khai thác thế mạnh du lịch tâm linh. Ông Trần Minh Hoan, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản nhận định: Là vùng đất “Thiên Bản lục kỳ”, huyện Vụ Bản có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Vụ Bản có 173 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 25 di tích được Nhà nước xếp hạng, đặc biệt có 7 di tích cấp quốc gia gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh (xã Kim Thái); Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); Đền Đông (xã Thành Lợi); Đền, chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); Đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng)...
Các điểm di tích thờ các danh nhân văn hoá như Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo), các nhà lưu niệm của nhạc sĩ Văn Cao (xã Liên Minh), nhà thơ Nguyễn Bính (xã Cộng Hoà), nhà sử học Trần Huy Liệu (xã Kim Thái)… cũng là điểm đến của nhiều người.
Đặc biệt, Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái gồm các đền, chùa, lăng, phủ trải rộng khắp diện tích gần 10km2, trong đó, có 3 di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt quan trọng, gồm: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và Lăng Mẫu.
Theo các tài liệu nghiên cứu, hai phủ Tiên Hương, Vân Cát được xây dựng sớm nhất, vào thời Hậu Lê - thế kỷ XVII. Lễ hội Phủ Dầy vào tháng Ba âm lịch với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội (kéo chữ), cờ người, hát xẩm; diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa màu sắc về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở Phủ Dày được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài du lịch văn hoá, tâm linh, huyện còn có Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm nằm trên địa bàn 2 xã Minh Tân, Kim Thái với cảnh quan độc đáo mang vẻ đẹp nguyên sinh; có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề với làng nghề mây tre đan Vĩnh Hào, làng nghề sơn mài Liên Minh...
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay có trên 800 hạng mục của hơn 170 di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Để thúc đẩy dịch vụ du lịch, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản đã và đang tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; lập quy hoạch tổng thể hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn huyện.
Huyện Vụ Bản đang tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nét đặc trưng, bản sắc văn hoá quê hương. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản, di tích lịch sử văn hóa; loại trừ những phong tục tập quán lạc hậu, những hủ tục, những thói hư, tật xấu. Cùng với đó, phục dựng giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật hát chầu văn, hát chèo; diễn xướng tín ngưỡng hầu đồng, lễ hội, trò chơi dân gian...
CHÙA HỔ SƠN – ĐỊA DANH DU LỊCH MỚI
Bí thư Huyện ủy Trần Minh Hoan dẫn đoàn đến tham quan di tích chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh; khu lăng mộ nhà thơ Nguyễn Bính, xã Cộng Hòa. Đến chùa Hổ Sơn, chúng tôi được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đẹp vừa mới được kiến thiết, hứa hẹn đưa nơi đây thành danh thắng du lịch mới của huyện Vụ Bản.
Theo các thư tịch cổ, vào năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân xin cưới Huyền Trân công chúa của nước Đại Việt. Chế Mân cắt hai châu Ô, Lý (vùng đất này từ phía nam sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị kéo dài đến bờ bắc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam ngày nay) dâng lên Đại Việt làm lễ dẫn cưới. Tháng 5/1307, Chế Mân qua đời.
Theo tục Chiêm Thành, khi vua mất, thì vợ vua phải lên đàn thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông sợ em gái thiệt mạng, nên sai Hành khiển Trần Khắc Chung mượn cớ sang thăm viếng, nhưng kỳ thực là cứu công chúa Huyền Trân thoát khỏi nước Chiêm trở về Thăng Long. Trở về Đại Việt, Huyền Trân xuất gia tu hành, lấy đạo hiệu Hương Tràng.
Năm 1311, Hương Tràng về núi Hổ ở Vụ Bản, cùng người cô là công chúa Thụy Bảo lập ngôi chùa Quảng Nghiêm tự, tên nôm là chùa Nộn Sơn. Tại đây, hai người cùng tu hành, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc nam để chữa bệnh và không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Sau khi hai bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức.
Bí thư huyện ủy Vụ Bản Trần Minh Hoan cho biết trải qua hơn 700 năm, hiện nay chùa Hổ Sơn vẫn lưu giữ được 27 đồ thờ cổ; trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như: Tượng hai vị công chúa triều Trần, nhang án mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII và 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.
Năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn BB Group Vũ Quang Bảo đã phát nguyện công đức trấn hưng cảnh chùa Hổ Sơn. Trải qua hơn một năm kiến thiết với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng, tổng thể khuôn viên di tích chùa Hổ Sơn hiện nay đã mở rộng ra với tổng diện tích 79.664m2, được chia làm 2 khu. Khu tâm linh trên núi có diện tích 5.215m2 với 5 công trình kiến trúc: Chùa Hổ Sơn; nhà tổ Trúc Lâm; nhà tổ chùa; Đền thờ Huyền Trân công chúa; phủ Mẫu rộng 170m2.
Ngoài ra còn một số công trình phụ trợ như lầu cô, lầu cậu, nhà bia, tháp mộ, tượng 18 vị La Hán… Tất cả các công trình trong khu vực này đều được xây trên núi, dưới chân bó vỉa bằng bê tông cốt thép cao 3,5m tạo cửa ra vào và lầu gác bề thế, vững trãi như tường thành cổ.
Khu dưới núi diện tích 74.449m2, chủ yếu là tạo cảnh quan khuôn viên sân vườn, hồ nước xen kẽ các hạng mục công trình như nhà khách rộng 190m2, thuyền lưu niệm rộng 180m2, giảng đường rộng 750m2, cùng các công trình kiến trúc mang đặc trưng của Phật giáo như tháp phật, tượng Quán Thế Âm, Di Lặc… Đặc biệt, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tạc bằng đá sapphire liền khối có chiều cao 5,1m, nặng hơn 100 tấn đặt trên đỉnh phía tây của núi Hổ.
Hàng năm vào ngày 9 tháng Tư âm lịch là ngày kỵ của công chúa Huyền Trân, dân làng Hổ Sơn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức bà. Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 684 năm ngày hoá thân Thần mẫu Trần triều Huyền Trân công chúa sẽ chính thức được diễn ra từ ngày 15 – 21 tháng 5 năm 2024 (tức mồng 8 đến 14 tháng Tư âm lịch) tại Khu di tích lịch sử văn hoá Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.