January 10, 2025 | 23:26 GMT+7

Vụ khai thác cát hơn 293 tỷ đồng và cách thức tạo ưu thế cho doanh nghiệp

Đỗ Mến -

Bằng việc đưa thêm tiêu chí bắt buộc đồng thời hướng dẫn cho Công ty Trung Hậu biết để chuẩn bị hồ sơ, các bị can đã giúp doanh nghiệp này tạo ưu thế hơn so với các đơn vị khác cùng tham gia...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án ''Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Rửa tiền" xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Trong số 44 người bị truy tố, ông Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu) bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Rửa tiền.

Ông Trần Anh Thư (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) và ông Nguyễn Việt Trí (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh An Giang) bị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Ông Nguyễn Thanh Bình (cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

"CÀI" TIÊU CHÍ ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP 

Theo cáo trạng, năm 2021, UBND tỉnh An Giang cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho Công ty Trung Hậu tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang.

Tuy nhiên, trước đó, với mục đích cấp giấy phép cho Công ty Trung Hậu, trên cơ sở tờ trình của Nguyễn Việt Trí, ông Trần Anh Thư ký quyết định 1994 phê duyệt phương án lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên sông Tiền, trong đó đưa thêm tiêu chí bắt buộc là “có hợp đồng hoặc cam kết (được chủ đầu tư dự án xác nhận) cung cấp cát san lấp cho dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên”. Nếu không có tiêu chí này sẽ bị loại.

Ông Trí chỉ đạo Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản, Nước và Biến đổi khí hậu cung cấp thông tin, tài liệu, chủ trương của UBND tỉnh, hướng dẫn trước các tiêu chí lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò cho Công ty Trung Hậu chuẩn bị hồ sơ.

Do được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, Công ty Trung Hậu có đề xuất cam kết cung cấp cát dự án trên với Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.

Từ đó, công ty có ưu thế hơn so với 2 đơn vị khác cùng tham gia nộp hồ sơ; đồng thời có quyền ưu tiên khi làm thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản khu vực, không phải đấu giá quyền khai thác (theo Điều 45 Luật Khoáng sản).

NÂNG CÔNG SUẤT KHAI THÁC CÁT TRÁI QUY ĐỊNH

Quá trình thực hiện, Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang điều chỉnh, bổ sung giấy phép khai thác khoáng sản 7 lần. Cơ quan tố tụng xác định có 2 lần điều chỉnh nâng công suất khai thác không đúng quy định, trong đó có lần nâng từ 300.000m3 lên 740.000m3 và lần nâng từ 740.000m3 lên 1.110.000m3/năm.

Theo cáo trạng, lần nâng công suất khai thác lên 1.110.000m3/năm, kết quả đo và vẽ độ sâu có chỗ âm 26-27m, vượt quá đột sâu được cấp phép (giấy phép là âm 16 mét) nhưng ông Nguyễn Việt Trí đã chỉ đạo nhân viên chỉnh sửa kết quả khảo sát địa hình đáy sông, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Công ty Trung Hậu được điều chỉnh nâng công suất khai thác.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6, Thông tư 17 ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tối thiểu 6 tháng/lần tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập bản đồ hiện trạng phục vụ việc kiểm tra trữ lượng. Các bị can tiếp tục chỉnh sửa bản đồ hiện trạng đáy sông, chỉnh sửa lại độ sâu cho phù hợp mà không thực hiện việc đo đạc thực tế.

Cơ quan tố tụng xác định sai phạm của các bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 293 tỷ đồng.

Cáo trạng cho thấy để được tạo điều kiện, ông Lê Quang Bình đưa tiền hối lộ cho ông Thư số tiền 961 triệu đồng, ông Trí 3 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 24/12/2021 đến ngày 29/7/2023, Công ty Trung Hậu khai thác hơn 5 triệu m3 cát. Ngoài việc cung cấp cát cho các dự án theo đúng giấy phép, ông Lê Quang Bình và các đồng phạm còn tổ chức khai thác cát trái phép để bán cho các cá nhân, đơn vị ngoài giấy phép với khối lượng hơn 3,7 triệu m3 cát, trị giá hơn 293 tỷ đồng.

 

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên 40 bất động sản; 21 ô tô các loại; phong tỏa 6 tài khoản của các bị can để bảo đảm thi hành án. Ngoài ra, vật chứng là 46 phương tiện, 19.467,53m3 cát được thu giữ trên 39 phương tiện.

Cơ quan điều tra đang tạm giữ hơn 50 tỷ đồng và 70.000USD do gia đình các bị can tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate