Giá thấp nhưng điện chỉ đủ dùng
Theo thống kê của Global Petrol Prices, giá điện của Việt Nam xếp thứ 47/147 quốc gia về độ rẻ với mức giá trung bình 0,08 USD/kWh (khoảng 1.920 đồng/kWh), chưa bao gồm thuế GTGT. Đan Mạch là quốc gia có giá điện cao nhất với mức 0,538 USD/kWh (khoảng 13.148 đồng/kWh), trong khi Liban có giá điện thấp nhất với mức 0,001 USD/kWh (khoảng 24 đồng/kWh). Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người thì sức mua của thị trường Việt Nam (thu nhập/giá điện) vẫn rất thấp, xếp sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Trung bình mỗi tháng, mỗi người phải bỏ ra khoảng 10% thu nhập để chi trả tiền điện sinh hoạt.
Bên cạnh đó, lượng điện sản xuất trong nước những năm gần đây đang có dấu hiệu cung không đủ cầu. Theo Bộ Công Thương, lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng 210,3 tỷ kWh (bao gồm điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), đạt 73,9% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh) và cao hơn 3,35% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia dự báo, tổng sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 281,1 tỷ kWh; cao hơn 4,75% so với năm 2022, đạt khoảng 98,8% nhu cầu sử dụng điện trong năm. Phần còn lại, Việt Nam phải tăng cường mua thêm điện từ Lào và Trung Quốc.
Hiện nay, các loại phương tiện sử dụng điện như ô tô điện, xe máy điện đang dần trở thành xu hướng mới. VinFast cho biết đã bàn giao 10.027 ô tô điện trong quý 3/2023, tăng 5% so với quý 2/2023. Lũy kế 9 tháng, tổng số xe tiêu thụ đạt 21.342 xe. Doanh số xe máy điện cũng rất ấn tượng với 28.220 xe đã bàn giao, tăng 177% so với quý 2/2023 và tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số chuyên gia tính toán, việc sở hữu một chiếc ô tô điện có thể làm tăng hóa đơn tiền điện của hộ gia đình thêm khoảng 30% mỗi tháng (khoảng 700.000 đồng/tháng). Con số này có thể tăng lên nếu gia đình sở hữu nhiều loại xe điện, hoặc xe có dung lượng pin cỡ lớn và quãng đường di chuyển nhiều.
Điều này cho thấy nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là khá cao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, sản lượng điện trong năm 2024 sẽ vẫn cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, kể từ năm 2025, sản lượng điện tăng thêm sẽ không đủ và Việt Nam sẽ phải tăng cường nhập khẩu điện từ nước ngoài.
Kinh nghiệm của Thái Lan về chính sách giá điện
Mô hình quản lý công suất điện tại trạm sạc ở Thái Lan. Nguồn: MEA.
Thái Lan hiện có khoảng 4.628 trạm sạc, bao gồm các trạm sạc công cộng và trạm sạc riêng của các hãng xe. Theo Cơ quan Điều tiết Năng lượng Thái Lan (ERC), giá bán lẻ điện cho trạm sạc áp dụng theo cấp điện áp 12-24 kV, tại khung giờ cao điểm là 4,3297 Baht/kWh (khoảng 2.926 đồng/kWh), giờ thấp điểm là 2,6369 Bath/kWh (khoảng 1.782 đồng/kWh), chưa bao gồm hệ số điều chỉnh giá nhiên liệu (Ft) và thuế VAT. Đồng thời, các trạc sạc còn bị áp thêm giá công suất 210 Bath/kWh và phí cố định 312,24 Bath/trạm/tháng.
Điểm đặc biệt là ERC không quy định cụ thể giá bán lẻ điện dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ sạc pin mà đơn giá sẽ do các hãng xe, doanh nghiệp kinh doanh trạm sạc tự niêm yết, đảm bảo tính cạnh tranh.
Ví dụ, giá dịch vụ sạc điện của PEA VOLTA đối với bộ sạc điện công suất 25 kW (Normal Charger) theo khung giờ cao điểm và thấp điểm lần lượt là 6,9 baht/kWh, 5,0 baht/kWh; đối với bộ sạc điện công suất 50-120 kW (Fast Charger) là 7,3 Bath/kWh và 5,3 Bath/kWh; đối với bộ sạc điện công suất 360 kW (Super Charger) là 8,8 Bath/kWh và 5,5 Bath/kWh.
Đối với người dùng lựa chọn sạc pin tại nhà, khách hàng được phép đăng ký lắp đặt công tơ thứ 2 để tách riêng hai nhu cầu sử dụng điện. Khách hàng phải thanh toán phí cố định cho cả 2 công tơ, ngay cả khi không dùng điện.
Đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ sạc xe điện, nếu tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện (Chương trình DR) sẽ được hưởng mức giá điện thấp.
Như vậy, tại Thái Lan, hoạt động đầu tư, kinh doanh trạm/trụ sạc không phải là hoạt động điện lực, trạm sạc chỉ là phụ tải sử dụng điện. Do đó, ngoài việc áp dụng đơn giá sử dụng điện, các trạm sạc phải chi trả thêm giá công suất và phí cố định để phản ánh đúng, đủ chi phí kinh doanh của ngành điện.
Chính sách mới về giá điện cho trạm sạc tại Việt Nam
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Bộ Công Thương xây dựng, giá bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc xe điện được quy định theo cấp điện áp và theo khung giờ. Với cấp điện áp từ trung áp trở lên (từ 01 kV), giá điện cho trạm sạc trong khung giờ thấp điểm (22h đêm đến 4h sáng) bằng 68% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 1.306 đồng/kWh; khung giờ cao điểm (9h 30 đến 11h 30 và từ 17h đến 20h) bằng 175% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 3.360 đồng/kWh; khung giờ bình thường (thời gian còn lại trong ngày) bằng 112% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.151 đồng/kWh. Với cấp điện áp hạ áp dưới 01 kV, giá điện tương ứng là 1.344 đồng/kWh, 3.937 đồng/kWh và 2.285 đồng/kWh.
Thời điểm hiện tại, do chưa có quy định về mức giá riêng dành cho trạm sạc, người dùng xe điện vẫn chủ yếu sạc pin bằng hai hình thức. Một là, sạc pin tại các trạm sạc công cộng của VinFast với đơn giá 3.210 đồng/kWh (đã bao gồm VAT), áp dụng từ ngày 10/6/2023. Ngoài ra, hãng không tính thêm bất kỳ khoản phí nào khác, trừ trường hợp sạc pin quá giờ.
Hai là, người dùng tự sạc xe điện tại nhà bằng thiết bị sạc tại nhà (home charger) hoặc thiết bị sạc cầm tay, sử dụng nguồn điện 220V của gia đình. Tiền điện phục vụ việc sạc pin sẽ được cộng gộp với tiền điện sinh hoạt hàng tháng nên thường sẽ bị áp đơn giá điện bậc 5 (2.919 đồng/kWh) hoặc bậc 6 (3.015 đồng/kWh).
Như vậy, khi Dự thảo Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chính thức được thông qua, giá điện cho trạm sạc sẽ được áp dụng theo khung giờ. Đặc biệt, khung giờ thấp điểm từ 22h đêm đến 4h sáng sẽ được đa số người dùng xe điện ưu tiên lựa chọn vì tận dụng được khoảng thời gian trống để sạc đầy pin, vừa được hưởng đơn giá thấp hơn so với giá điện sinh hoạt.