Chủ trì hội thảo có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM PGS.TS Vũ Hải Quân.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò nền tảng, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả trong nước, quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, Bộ Công Thương, UBND TP.HCM… đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng; kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về chủ trương, giải pháp đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh và điều kiện mới.
NÂNG CAO TÍNH TỰ CHỦ, KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CAO
Tại hội thảo, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao sự chuẩn bị hết sức công phu, đặt hàng các cơ quan và các chuyên gia trong, ngoài nước gần 70 báo cáo, tham luận có chất lượng, với nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tiếp cận chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nhiều góc độ khác nhau. Đồng thời hy vọng cuộc hội thảo này sẽ đề xuất được những giải pháp đột phá, góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hội thảo đã thống nhất cao mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới.
Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; là sự nghiệp toàn dân, trong đó con người ở vị trí trung tâm, cần lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ.
Đồng thời, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Ngoài ra, công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn tới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá và các cực tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò nền tảng, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực.
Yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đặt trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu, yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực của nền kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao...
THÁCH THỨC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
Trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực và là nhiệm vụ then chốt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khóa phát triển đất nước theo hướng hiện đại và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia.
Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở mỗi giai đoạn có những mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, đến Đại hội XIII của Đảng đã được nâng lên tầm mức cao hơn. Đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Ngay từ những năm đầu đổi mới, TP.HCM đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ then chốt, với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và mạng lưới hạ tầng thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực và trên thế giới.
Từ hội thảo này, TP.HCM kỳ vọng có cơ hội tiếp thu những thông tin thiết thực, giúp cho thành phố có cơ sở lý luận, thực tiễn để đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đổi mới sáng tạo, có tiềm lực khoa học công nghệ vững mạnh. Từ đó, đưa TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại quốc tế và đưa các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
TP.HCM đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nội dung rất quan trọng. TP.HCM xác định đây là một cơ hội tiếp cận quan điểm, tư duy mới về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa để bổ sung những vấn đề cần thiết hiện nay.
CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ
Đại hội XIII đã đưa ra mục tiêu tổng quát, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc… phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn nhận quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được. Do đó, việc bổ sung “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” vào mục tiêu tổng quát trong Văn kiện Đại hội XIII lần này cho thấy bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề địa chính trị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế gay gắt. Cùng với đó là yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh đặt ra cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước ta.
Đại hội XII của Đảng đã nhìn nhận, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được và việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra.
PGS.TS Vũ Hải Quân mong muốn hội thảo sẽ tập trung trao đổi, giải đáp, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng nghị quyết mới. Điểm mới trong tư duy, nhận thức của Đảng là xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực.