September 18, 2023 | 10:24 GMT+7

Xe điện, nguyên nhân phía sau cuộc đình công của công nhân ô tô Mỹ

An Huy -

Gần 13.000 công nhân UAW đang tiến hành một cuộc đình công quy mô lớn tại một loạt nhà máy của “tam đại gia” công nghiệp ô tô Mỹ gồm General Motors (GM), Ford và Stellantis...

Chủ tịch UAW Shawn Fain cùng công nhân đình công tại nhà máy của Ford ở Michigan hôm 15/9 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch UAW Shawn Fain cùng công nhân đình công tại nhà máy của Ford ở Michigan hôm 15/9 - Ảnh: Reuters.

Một cuộc đối đầu giữa các hãng xe Mỹ và Liên hiệp Công nhân ô tô (UAW) - tổ chức công đoàn hùng mạnh của công nhân ô tô Bắc Mỹ - đang diễn ra trong bối cảnh biến động công nghệ trăm năm mới có một lần đặt ra những rủi ro lớn đối với cả các nhà sản xuất và người lao động làm việc trong ngành công nghiệp này.

Gần 13.000 công nhân UAW đang tiến hành một cuộc đình công quy mô lớn tại một loạt nhà máy của “tam đại gia” công nghiệp ô tô Mỹ gồm General Motors (GM), Ford và Stellantis. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, công nhân có tổ chức công đoàn ở Mỹ cùng đình công một lúc tại cả ba hãng xe. Ở thời điểm hôm thứ Sáu, mỗi hãng xe đang có một nhà máy bị đình công, là nhà máy tại các bang Missouri, Michigan và Ohio.

VÌ SAO CÔNG NHÂN Ô TÔ MỸ ĐÌNH CÔNG?

Cuộc đình công này diễn ra trong bối cảnh các hãng xe truyền thống đầu tư hàng tỷ USD để phát triển xe điện, nhưng vẫn kiếm tiền chủ yếu từ xe chạy động cơ đốt trong. Các cuộc đàm phán sẽ quyết định cán cân quyền lực giữa người lao động và giới chủ trong ngành ô tô ở Mỹ, thậm chí có thể trong nhiều năm tới. Bởi vậy, cuộc đình công này không chỉ liên quan đến các vấn đề tiền lương, chế độ phúc lợi và điều kiện làm việc, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của ngành công nghiệp ô tô Mỹ - theo tờ New York Times.

Tiền lương là một vấn đề gai góc trong đợt đình công này của công nhân ô tô Mỹ. Liên đoàn đòi tăng lương 40% trong 4 năm, nhưng các hãng xe mới chỉ chấp nhận mức tăng bằng một nửa như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là người lao động muốn bảo vệ công ăn việc làm khi sản xuất dịch chuyển từ động cơ đốt trong sang pin xe điện. Xe điện có ít linh kiện hơn so với xe truyền thống, nên cần ít công nhân tham gia vào quá trình sản xuất hơn, dẫn tới việc nhiều công nhân ô tô lo sợ sẽ mất công ăn việc làm khi hãng ngày càng giảm sản xuất ô tô truyền thống và thay vào đó sản xuất xe điện nhiều hơn.

“Cuộc chuyển đổi sang xe điện là vấn đề thống trị trong tất cả mọi nội dung của cuộc đàm phán này. Không ai nói ra, nhưng công đoàn đang tìm cách giành vai trò trung tâm trong ngành công nghiệp xe điện mới”, Giám đốc điều hành John Casesa của công ty đầu tư Guggenheim Partners nhận định.

Các hãng xe truyền thống của Mỹ đang ra sức bảo vệ lợi nhuận và thị phần trước sự cạnh tranh quyết liệt của hãng xe điện Tesla và các nhà sản xuất nước ngoài. Một số nhà phân tích gọi cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra là cuộc chuyển đổi công nghệ lớn nhất kể từ khi Henry Ford bắt đầu sản xuất ô tô vào đầu thế kỷ 20.

Dưới sức ép của Chính phủ Mỹ và nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, Ford, GM và Stellantis đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất ô tô điện - loại phương tiện giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, các hãng xe truyền thống hầu như chưa có lợi nhuận từ những chiếc xe điện mà họ sản xuất ra, trong khi Tesla - nhà  hãng xe điện lớn nhất thế giới - đã có lãi và đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Hồi tháng 7 năm nay, Ford cho biết mảng xe điện của hãng dự kiến lỗ 4,5 tỷ USD. Cũng theo Ford, nếu công đoàn đạt được toàn bộ mục tiêu tăng lương, lương hưu và các chế độ khác mà người lao động đòi hỏi trong cuộc đình công lần này, thu nhập của công nhân Ford sẽ cao gấp đôi so với thu nhập của công nhân Tesla.

THẾ KHÓ CỦA CÁC HÃNG XE

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Sáu vừa rồi, CEO Jim Farley của Ford cho biết những đòi hỏi của công đoàn có thể khiến hãng phải từ bỏ các khoản đầu tư vào ô tô điện. “Chúng tôi muốn có một cuộc thảo luận về một tương lai bền vững, chứ không phải là một cuộc thảo luận buộc chúng tôi phải lựa chọn giữa việc hoặc phải đóng cửa hoặc phải đáp ứng mọi đòi hỏi của người lao động”, ông Farley nói.

“Chúng ta đang đứng trước bình minh của một cuộc cách mạng công nghiệp mới, và lối đi của chúng ta bây giờ cũng chính là lối đi của cuộc cách mạng công nghiệp trước đây - nghĩa là phần lớn lợi nhuận thuộc về một số ít người, trong khi số đông không có được công việc tốt”, bà Madeline Janis, Giám đốc điều hành của Jobs and Move America - một tổ chức hoạt động có sự gắn bó chặt chẽ với UAW và các tổ chức công đoàn khác - phát biểu.

Trong thập kỷ qua, các hãng ô tô truyền thống của Mỹ đã thu về lợi nhuận nhiều tỷ USD, nhưng họ không muốn thể để mất thêm thời gian trong cuộc chạy đua với Tesla và các hãng xe nước ngoài. Cho tới hiện tại, dù đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào ô tô điện, cả GM, Ford và Stellantis đều đang chậm chạp trong cuộc đua này.

Một nhà máy pin mới của GM ở bang Ohio đến nay mới cho sản lượng nhỏ giọt, dẫn tới hãng phải trì hoãn việc sản xuất phiên bản chạy điện của chiếc bán tải Chevrolet Silverado và các mẫu xe điện khác. Hồi tháng 2 năm nay, Ford phải tạm dừng sản xuất mẫu xe điện F-150 Lightning sau khi pin của một chiếc xe này phát nổ trong lúc chờ kiểm tra chất lượng. Về phần mình, Stellantis dự kiến phải đến năm 2024 mới bắt đầu bán xe chạy hoàn toàn bằng điện tại thị trường Mỹ.

Trình trạng chậm trễ này của các hãng xe truyền thống và doanh số ngày càng lớn của Tesla có thể mang tới lợi thế lớn cho UAW trong các cuộc đàm phán với giới chủ lần này.

Xe điện đang chiếm khoảng 7% tổng doanh số thị trường ô tô mới ở Mỹ, và được dự báo sẽ cán mốc doanh số 1 triệu chiếc tại nước này trong năm nay. Các hãng xe truyền thống và phần lớn các nhà phân tích đều đã đánh giá thấp về khả năng bứt phá của xe điện, nhưng họ cũng chưa thể đưa ra một dự báo chính xác về sự tăng trưởng của doanh số xe điện trong tương lai. “Tôi không nghĩ là đã có ai đó dám chắc về một dự báo hoàn hảo về mức độ phổ biến của xe điện”, CEO Mary T. Barra của GM nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times hồi tháng 8.

Trao đổi với chương trình CBS Morning hôm thứ Sáu, bà Barra nói việc tăng lương quá mức cho công nhân sẽ khiến GM giảm khả năng tiếp tục sản xuất xe truyền thống trong lúc phát triển xe điện. “Đây là một giai đoạn mà việc đầu tư là vô cùng quan trọng”, bà Barra nói.

Dù vậy, công đoàn nhấn mạnh rằng CEO của 3 hãng xe - gồm bà Barra của GM, ông Farley của Ford và ông Carlos Tavares của Stellantis - đều đã lĩnh hàng chục triệu USD lương thưởng trong những năm gần đây, còn cổ đông của các hãng cũng đã hưởng mức cổ tức hấp dẫn và các chương trình mua lại cổ phiếu. Trong khi đó, nếu trừ đi lạm phát, lương của công nhân ô tô ở Mỹ đã giảm 19% trong thời gian từ năm 2008 đến nay - theo số liệu của Viện Chính sách kinh tế (EPI).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate