Chợ đêm Tủa Chùa họp từ khoảng 20h ngày thứ Bảy đến 6h sáng Chủ Nhật hàng tuần. Tại đây các sản vật địa phương được bày bán đa dạng, thu hút nhất vẫn là lan rừng, các mặt hàng nông sản đặc biệt của vùng cao Tủa Chùa như: Khoai sọ tím, nghệ đen, gừng đen, thảo quả… và các loại thảo mộc, thảo dược của địa phương.
NHỮNG “PHIÊN LIVESTREAM”GIỮA ĐÊM
Tủa Chùa là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, trung tâm huyện cách thành phố Điện Biên Phủ 126km - nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Theo ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, chợ đêm Tủa Chùa là một sản phẩm đặc trưng của huyện và là sản phẩm du lịch “duy nhất” khai thác mô hình chợ đêm tại tỉnh Điện Biên. Sau gần 1 năm khai trương, lượng khách tới chợ tăng theo tuần, chứng tỏ rằng sự hấp dẫn và thu hút của mô hình này.
Đồng thời, đây là chợ phiên về đêm bán nhiều nông sản, thảo mộc rừng duy nhất ở Điện Biên. Điều đặc biệt nhất đây cũng là phiên chợ sử dụng công nghệ để buôn bán nhiều nhất. Chị Lê Nhật Hằng, du khách đến từ Lạng Sơn lần đầu đi chợ đêm Tủa Chùa chia sẻ: “Tôi đã đi khá nhiều các chợ đêm ở Sapa, Lào Cai. Mường Bi… nhưng tôi đặc biệt thích chợ đêm Tủa Chùa và những sản phẩm mà người dân mang đến chợ. Tôi cũng thích cách mọi người sử dụng công nghệ livestream để kết nối bán hàng trên khắp cả nước, một cách quảng bá sản phẩm địa phương rất hay”.
Có thể nói, nhờ những hình thức buôn bán mới của thời đại 4.0, chợ phiên Tủa Chùa ngày càng trở nên nổi tiếng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện và nâng cao đời sống của bà con. Chị Lường Thị Hoa, người dân thị trấn Tủa Chùa nói: “Tôi buôn bán các sản phẩm nông nghiệp như lan, sâm, nấm, củ đinh lăng, mật ong, măng khô… tại chợ đêm bằng hình thức livestream đến nay đã là năm thứ 2. Khách hàng của tôi đến từ khắp nơi trên đất nước, từ Hà Nội, Hải Phòng đến tận TP.HCM, nên tôi bán được nhiều hàng hơn”.
Dãy kế bến, một đôi vợ chồng khác đã bê nguyên dàn 4 chiếc điện thoại, đèn led, pin dự phòng và 3 người "phụ tá" liên tục giới thiệu củ tắc kè, lan rừng, sâm cau... cho khách. Cảnh bán hàng online tít tận miền núi mà khiến dân phố thị cũng phải “lác mắt”. Được biết, "biệt đội livestream" bán hàng ở chợ phiên đặc biệt này thường tất bật suốt đêm.
Những giò lan rừng xếp riêng thành bãi, giá từ vài chục nghìn đến gần 1 triệu đồng. Những loại thảo dược chỉ có giá bằng 2/3 hoặc một nửa so với giá ở miền xuôi. Người livestream không nói thách, khách mua chốt đơn miễn mặc cả. Từ chập tối đến rạng sáng, chợ đêm sơn cước loang loáng ánh đèn và giọng cười nói bất chấp sương lạnh vùng cao.
VÀ NHỮNG ĐẶC SẢN RIÊNG CÓ
Đến với chợ đêm Tủa Chùa, du khách thập phương sẽ không chỉ như thấy một địa phương thu nhỏ mà còn có thể cảm nhận được những nét đặc biệt riêng của văn hóa ẩm thực Điện Biên. Ngay tại vị trí trung tâm của chợ đêm là gian hàng ẩm thực với hàng chục hàng quán, phục vụ rất nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn hàng trăm người dân và du khách quây quần thưởng thức.
Nhắc đến Điện Biên, đầu tiên phải nói đến món xôi ngũ sắc, một món ăn dân dã và không thể thiếu trong những dịp hội họp quan trọng của đồng bào dân tộc Thái. Với màu sắc rực rỡ và hạt xôi to, dài, căng bóng, món xôi ngũ sắc đẹp mắt, thơm, ngon là nhờ phương pháp đồ xôi cách thủy bằng chõ của dân tộc Thái. Chính vì thế, xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ được độ dẻo lâu. Với hai lần đồ, xôi có hương thơm, ngon và dẻo, đặc biệt khi dùng nóng hay nguội, nắm trong lòng bàn tay không bị dính.
Tiếp theo là món gà đen đồ bí ngô của dân tộc Mông. Người dân Điện Biên có câu: “rượu Mông pê/ dê núi đá/ cá sông Đà/ gà xương đen”, nên gà đen là 1 trong 4 loại đặc sản của vùng đất này. Để chế biến món này, gà được chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị khoảng 15 - 20 phút rồi cho vào quả bí ngô. Sau đó, để cả quả bí ngô vào chõ gỗ đồ khoảng 40 phút. Khi món ăn chín, gà sẽ có độ dai, thơm, ngọt và hòa quyện vào vị béo ngậy của bí ngô, được nhiều người yêu thích.
Ngoài ra, còn các món như Pa Pỉnh Tộp, nộm hoa ban, dưa mèo, canh tiết lá đắng… Mới đây hai đặc sản của Điện Biên được vinh danh lọt top các món Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, là gà mọ và nộm da trâu. Gọi là gà mọ bởi món ăn này có cách chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ với các nguyên liệu chỉ có ở vùng Tây Bắc. Gà sau khi được làm sạch sẽ, chặt nhỏ và ướp với các loại gia vị như gừng, sả, ớt, thì là, hành khô, mùi tàu, rau rừng,… và lá cây mắc khén.
Sau khi đã ngấm đều các gia vị, cho lên bếp rang vừa chín bắc xuống bếp trộn đều với các loại rau, hoa ban hay hoa chuối rừng và đặc biệt là không thể thiếu bột gạo nếp nương. Gà được gói trong lá dong và làm thành những gói nhỏ trước khi cho lên "hông" – một dụng cụ để đồ món ăn của người Thái. Với cách làm này, mùi vị, hương thơm của gia vị và của gà được cô đặc, giữ nguyên. Gà mọ khi ăn cùng xôi sẽ là món đặc sản khó quên mà trước đây chỉ những gia đình quý tộc mới được tận hưởng.
Trong khi đó, da trâu còn được gọi với tên là ngưu bì. Đối với nhiều người, da trâu thực sự không có nhiều giá trị, nhưng với đồng bào các dân tộc nơi đây, da trâu treo gác bếp cho khô sẽ chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Qua những công đoạn chế biến kỹ lưỡng, nộm da trâu đã khoác lên mình màu vàng như quả chanh Tây và có vị ngọt ngọt, chua chua, không quá dai. Ăn da trâu nộm sẽ cảm thấy vị bùi bùi, thanh dịu. Cắn đến đâu lại cảm nhận được độ giòn, sần sật đến đó. Sự hòa quyện của da trâu và các loại gia vị tạo nên một món ăn vô cùng đặc sắc.
Với những nét độc đáo riêng, phiên chợ đêm Tủa Chùa không chỉ mang ý nghĩa giao lưu, trao đổi, buôn bán hàng hóa, những sản vật của địa phương mà còn giống như ngày hội của bà con vùng cao. Bà con đi chợ ai nấy đều tươi vui, phấn khởi vì được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè gần xa, được gặp gỡ nhiều du khách đến từ các địa phương khác nhau.
Để quảng bá và giới thiệu hình ảnh, huyện Tủa Chùa đã có chủ trương mỗi một xã sẽ chuẩn bị một chương trình văn nghệ diễn vào tối thứ 7 hàng tuần, tự biên đạo, tự dàn dựng theo nét đặc sắc văn hoá của dân tộc mình. “Đây cũng là cơ hội để các dân tộc giới thiệu văn hoá của dân tộc mình với cộng đồng,” ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Truyền thanh - Truyền hình huyện Tủa Chùa, cho biết.