Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hệ thống năng lượng đang có xu hướng chuyển từ hóa thạch sang tái tạo, chuyển từ nguồn hữu hạn (than, dầu, khí, uranium) sang vô hạn (ánh sáng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt).
Đồng thời chuyển từ tập trung, quy mô lớn (từng khu đô thị, khu công nghiệp, từng bể than, bể dầu khí) sang phân tán, nhỏ lẻ (từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng cá nhân); môi trường và sinh thái trong việc sản xuất và tiêu dùng năng lượng sẽ được kiểm soát (hạn chế ô nhiễm).
NHIỀU TIỀN ĐỀ CHO CHUYỂN DỊCH
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhận định việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và tránh phụ thuộc vào bên ngoài đối với thủy điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch điện 8, trong đó đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Hiện có nhiều xu hướng cho phép Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, thủy điện của Việt Nam có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện. Bên cạnh đó, điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện than nhờ lợi thế về tiến bộ công nghệ và số lượng các dự án đầu tư lớn.
Cụ thể, từ công suất không đáng kể trước năm 2017, đến nay hệ thống điện Việt Nam đã có trên 16.500 MW công suất điện mặt trời (trong đó 50% là điện mặt trời mái nhà) và trên 4.500 MW công suất điện gió, bằng 30% tổng công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.
Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới. Trong khi đó, chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Thứ hai, các vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra, bao gồm ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng, đã khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế.
Quy hoạch điện 8 đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Thứ ba, với hiệu quả về môi trường và kinh tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên mức trên 90% vào năm 2050.
Thứ tư, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, bao gồm tăng hiệu suất modul quang điện mặt trời lên khoảng 25 – 27% với tấm pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể và có thể lên đến trên 40% đối với công nghệ kết hợp giữa các tấm pin đơn tinh thể với một lớp phim mỏng; các tuabin gió với độ cao trên 200 mét với công suất mỗi tua bin lên đến 20 MW cũng đã được áp dụng. Tiến bộ công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện.
Bổ sung thêm, ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế cho phát triển năng lượng tái tạo mà nhiều nước không có. Đó là các địa phương của Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cho phát triển năng lượng tái tạo.
CẦN MỘT CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ
Để bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các ý kiến đều cho rằng Chính phủ cần đặc biệt quan tâm tới việc quản lý năng lượng, tiếp cận công nghệ nâng cao hệ thống trong tương lai để tránh tụt hậu.
Theo ông Lurion De Mello, giảng viên cao cấp Khoa Tài chính ứng dụng, Đại học Macquarie (Australia), phát triển năng lượng tái tạo cần hỗ trợ rất lớn từ cơ sở hạ tầng. Quá trình chuyển đổi không nên diễn ra quá nhanh, bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được sẽ gây ra lãng phí. Đơn cử, điện mặt trời ở Việt Nam đang mở rộng rất nhanh, trong khi công nghệ lưu trữ cũng như truyền tải chưa tốt, như vậy sẽ gây ra hao hụt lớn, làm thất thu về thuế và tăng chi phí đối với người dân.
Hơn nữa, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng không phải ngày một ngày hai, có thể Việt Nam cần những bước đệm chuyển tiếp. Cụ thể trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể chuyển từ than đá sang khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) để sản xuất điện và dùng nhiều khí gas thay thế cho than đá trong sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm. Gas được xem là nhiên liệu chuyển tiếp, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp nặng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Điều này đã đem đến nhiều lợi ích doanh nghiệp, đặc biệt khi dệt may là một trong những lĩnh vực tiêu thụ điện lớn.
Việc phát triển điện mái, điện mặt trời giúp doanh nghiệp dệt may không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện. Cụ thể, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là tài chính. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào năng lượng tái tạo song hành với phát triển sản xuất. Cũng không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.
Do đó, chúng ta cần có nguồn ngân sách từ địa phương, Nhà nước và cần huy động cả nguồn tư nhân. Chính phủ cần có những hỗ trợ về mặt chính sách, khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, tài chính xanh, trái phiếu xanh cho doanh nghiệp tiếp cận.
Đây chính là những công cụ để tăng cường lòng tin của nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng xanh, năng lượng xanh. Nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng có thể được cho phép vượt qua giới hạn tăng trưởng tín dụng để khuyến khích ngân hàng cho vay thêm các dự án xanh.
Ngoài ra, theo ông Giang, các cơ quan quản lý cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, giúp giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp, cũng như cần có các cơ chế cụ thể để thu hút việc đầu tư năng lượng tái tạo, đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp.
Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng vấn đề đặt ra là phát triển điện áp mái không thể tự sản tự tiêu hoàn toàn, doanh nghiệp cần có dự trữ về năng lượng. Do vậy, việc đấu nối với điện lưới quốc gia cần được xem xét, cần có chính sách để cho phép nhà đầu tư đấu nối.
Đồng tình, ông Phan Công Tiến, chuyên gia năng lượng và thị trường điện, khuyến nghị về lâu dài cần có các công ty dịch vụ năng lượng tham gia vào hoạt động bán điện để tránh quá trình tự sản, tự tiêu, gây lãng phí nguồn điện, đồng thời Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế.
Đại diện VEA bổ sung, khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện. Cụ thể, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.
Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán. Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời và tại các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo…