Ngày 9/10/2024, tại Hưng Yên, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Chương trình Khuyến công quốc gia, tổ chức hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực Marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề”.
VIỆT NAM MỚI CHỈ CHIẾM 0,35% THỊ TRƯỜNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ THẾ GIỚI
Phát biểu tại hội thảo, ông Tôn Gia Hoá, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1.007 tỷ USD vào năm 2023, hướng đến con số 1.107 tỷ USD năm 2024, dự báo sẽ đạt 2.394 tỷ USD vào năm 2032.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Hiện nay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống, với tổng doanh thu của các làng nghề này khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tăng từ 1,62 tỉ USD năm 2015, lên 2,23 tỉ USD năm 2019. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, và một số quốc gia ở khu vực Trung Đông. Việt Nam đang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm năng và quy mô của ngành thủ công mỹ nghệ, con số này vẫn còn quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay Ấn Độ…
"Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chưa cao bằng nhiều mặt hàng khác, nhưng theo thống kê, cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Cho thấy giá trị thực thu từ việc xuất khẩu mặt hàng này lại rất cao”.
Ông Tôn Gia Hoá, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Theo ông Hoá, hiện nay đang có những tín hiệu tốt cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Trong đó, thương mại điện tử sẽ hỗ trợ xuất khẩu mạnh mẽ, khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á. Sự khác biệt của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là dựa trên các yếu tố sản xuất bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm hàng thủ công.
Chỉ ra những khó khăn hiện tại của ngành thủ công mỹ nghệ, ông Tôn Gia Hoá cho rằng các ngành nghề thủ công mỹ nghệ hầu hết được xuất phát từ quy mô hộ gia đình, dần tiến lên thành mô hình làng xã, các thương hiệu thủ công mỹ nghệ thường có xu hướng hình thành theo khu vực tự phát, chưa được xây dựng theo quy trình bài bản.
Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm vẫn được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc theo đơn hàng từ các nhà bán lẻ lớn trên thế giới, chưa có sự đột phá trong việc quảng bá thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu. Một số sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam hiện nay như gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động… vẫn giữ được chỗ đứng nhất định, nhưng chỉ một số ít trong đó, thực sự có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hiện vẫn còn hạn chế trong các hoạt động marketing. Các kênh online cũng chưa được tận dụng triệt để. Đầu ra sản phẩm thủ công phụ thuộc vào nhiều khâu trung gian...
Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở công thương tỉnh Hưng Yên nhận định: Thủ công mỹ nghệ của nước ta là một trong số ngành được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển bền vững, xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Một số sản phẩm như gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu đang được nhiều nước ưa dùng để làm đồ trang trí nội thất và quà tặng.
Theo ông Cường, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có rất nhiều làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như: Làng nghề chạm bạc Huệ Lai ở Phù Ủng, Ân Thi; Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng ở Chỉ Đạo, Văn Lâm; Làng nghề mộc Hòa Phong ở Mỹ Hào, Làng nghề mộc Thụy Lân ở Yên Mỹ... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, một số làng nghề thủ công mỹ nghệ có nguy cơ bị mai một, việc phát triển các sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
CẦN XÂY DỰNG LUẬT VỀ LÀNG NGHỀ
Ths Cao Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Đào tạo Phát triển Làng nghề Việt Nam, cho rằng nếu thủ công mỹ nghệ truyền thống không bắt nhịp với xu thế số hóa như mọi ngành nghề đã và đang tiếp cận, thì thủ công mỹ nghệ sẽ bị bỏ rơi lại phía sau.
Theo bà Thuỷ, việc ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ giúp tăng cường tự động hóa công việc và giảm nhu cầu nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chúng giúp cải thiện khả năng dự đoán và phân tích dữ liệu phức tạp, tạo ra các hệ thống thông minh và cá nhân hóa dịch vụ, từ đó giúp nâng cao hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian ngiên cứu, sản xuất, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Khai thác công nghệ thực tế ảo sẽ là xu hướng số hóa quá trình sản xuất, tạo cơ hội khách hàng được quan sát quá trình công nghệ sản phẩm trên mạng, trải nghiệm tiêu dùng, tương tác với nhà sản xuất…mở ra một thế giới mới trực quan và sinh động từ khi hình thành ý tưởng sản phẩm đến khảo sát nguyên liệu đầu vào, cách thức tổ chức sản xuất, trình diễn sản phẩm hoàn thành, tư vấn sử dụng và bảo quản hàng hoá…
TS Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt Nam, cho hay các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế, vẫn chưa có chiến lược marketing rõ ràng. Do thiếu thông tin thị trường, các nhà sản xuất thường không nắm rõ nhu cầu và xu hướng của thị trường quốc tế.
Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực marketing xuất khẩu, TS Tòng khuyến cáo các làng nghề và doanh nghiệp cần cần sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Mặt khác, cần thực hiện nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhu cầu cụ thể và tìm kiếm các thị trường tiềm năng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các làng nghề nên tổ chức các khóa đào tạo về marketing và xuất khẩu cho người lao động trong ngành thủ công mỹ nghệ.
“Việc thâm nhập thị trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự kiên nhẫn, nghiên cứu kỹ lưỡng và chiến lược linh hoạt. Bằng cách tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và hiểu rõ thị trường mục tiêu, Doanh nghiệp sẽ tăng cơ hội thành công trong việc phát triển và mở rộng kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường quốc tế”.
TS Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam.
Để phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ, ông Tôn Gia Hoá cho rằng chúng ta cần nhiều nhóm giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế. Tổ chức thực hiện, hoàn thành các mục tiêu cụ thể theo Quyết định 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam đến 2030, cần hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành.
Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội.
Cùng với đó, cần xây dựng Luật về làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển vững chắc các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trọng yếu trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm cho nhóm hàng này. Cần đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế - điều này nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau.