June 25, 2023 | 13:05 GMT+7

Xuất khẩu lương thực, thực phẩm: Doanh nghiệp nên tuân thủ thay vì đối phó với quy định

Mộc Minh -

Nhiều quốc gia đang đặt ra các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu nhằm bảo vệ môi trường, sự cạnh tranh cũng như bảo vệ sức khỏe người dân…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, yêu cầu tiêu chuẩn về nông sản, thực phẩm của các thị trường ngày càng cao đang là thách thức mà các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam phải vượt qua để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một trong những vấn đề quan trọng khi xuất khẩu sản phẩm lương thực, thực phẩm ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nên tuân thủ, áp dụng các hệ thống chất lượng phù hợp, thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm… để sản phẩm đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính này, không nên tính toán cách đối phó.

Tại hội thảo “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu” tổ chức 23/6/2023, bà Nguyễn Thị Chân, Trưởng phòng Thực phẩm của Công ty TUV SUD (Đức), cho biết các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Mặc dù khi đáp ứng các biện pháp kỹ thuật của các thị trường khó tính sẽ khiến tăng cao chi phí; thị trường tiếp cận bị hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vì chi phí cho việc áp dụng biện pháp kỹ thuật có thể tăng lên 16%, nhưng nếu đáp ứng được các biện pháp kỹ thuật sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh; doanh nghiệp xuất khẩu ý thức hơn về việc đoàn kết, phát huy sức mạnh để vượt qua hàng rào phi thuế quan…

Đặc biệt, hiện xu hướng toàn cầu đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và có chiến lược phát triển.

Về rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm hiện nay, bà Chân cho biết các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng, mức dư lượng cho phép thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; yêu cầu ghi nhãn và đóng gói, truy xuất nguồn gốc... là những yêu cầu mà các quốc gia nhập khẩu đặt ra.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ và EU cũng đặt ra các biện pháp kỹ thuật (TBT) đối với xuất khẩu nông sản thực phẩm là bảo vệ an ninh quốc gia, môi trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ sức khỏe…

Còn đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng rất nhiều ngành trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành lương thực thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Để ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, TP.HCM đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Các chuyên gia khuyến nghị, để tồn tại, doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với việc thay đổi sở thích của người tiêu dùng thông qua đầu tư công nghệ; nghiên cứu sản phẩm mới; tăng cường truyền thông; đáp ứng các yêu cầu về chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate