Theo số liệu thống kê sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố chiều 27/12, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2023 (từ ngày 01/12 đến ngày 15/12/2023) đạt 30,52 tỷ USD, giảm 1,4% (tương ứng giảm 433 triệu USD) so với nửa cuối tháng 11/2023.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2023 đạt 649,96 tỷ USD, giảm 7,5%, tương ứng tăng giảm 52,53 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 445,83 tỷ USD, giảm 8,6% (tương ứng giảm tới 41,81 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 204,14 tỷ USD, giảm 5% (tương ứng giảm 10,72 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 12/2023 đạt 15,04 tỷ USD, giảm 8,1% (tương ứng giảm 1,33 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 11/2023.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 12/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 11/2023 ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại & linh kiện giảm 463 triệu USD, tương ứng giảm 20,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 167 triệu USD, tương ứng giảm 6,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 158 triệu USD, tương ứng giảm 7,8%; hàng dệt may giảm 112 triệu USD, tương ứng giảm 7,7%...
Như vậy, tính đến hết 15/12/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 337,62 tỷ USD, giảm 5,2% tương ứng giảm 18,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,37 tỷ USD, tương ứng giảm 11,3%; hàng dệt may giảm 4,29 tỷ USD, giảm 11,9%; giày dép các loại giảm 3,57 tỷ USD, tương ứng giảm 15,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,54 tỷ USD, tương ứng giảm 5,8%...so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 12/2023 đạt 10,65 tỷ USD, giảm 8,7%, tương ứng giảm 1,02 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 11/2023.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 245,34 tỷ USD, giảm 6,6%, tương ứng giảm 17,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2023 đạt 15,48 tỷ USD, tăng 6,1% (tương ứng tăng 893 triệu USD về số tuyệt đối) so với nửa cuối tháng 11/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 12/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 11/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 135 triệu USD, tương ứng tăng 3,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 62 triệu USD, tương ứng tăng 3,3%...
Tính từ đầu năm đến hết 15/12/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 312,35 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 34,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh là điện thoại các loại và linh kiện giảm 11,97 tỷ USD, tương ứng giảm 58,8%; máy móc thiết bị dụng vụ và phụ tùng giảm 3,85 tỷ USD, tương ứng giảm 8,8%; chất dẻo nguyên liệu giảm 2,67 tỷ USD, tương ứng giảm 22,2%... so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 12/2023 đạt gần 9,85 tỷ USD, tăng 5,8% (tương ứng tăng 540 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 11/2023.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 200,49 tỷ USD, giảm 10,9% (tương ứng giảm 24,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 12/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 438 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 25,27 tỷ USD.
Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp ghi nhận xuất siêu, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, con số xuất siêu 25,27 tỷ USD chưa phải là “tín hiệu vui”, bởi xuất siêu lập kỷ lục nhưng lại do tốc độ nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu. Tính đến hết ngày 15/12/2023 so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu đạt 337,62 tỷ USD, giảm 5,2%, trong khi nhập khẩu đạt 312,35 tỷ USD, giảm tới 9,8%.
Đáng chú ý, nhóm tư liệu sản xuất, gồm: nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị, phụ tùng…giảm mạnh. Điều này cho thấy, đầu tư cho sản xuất và sản lượng sản xuất không cao. Là một nền kinh tế gia công, lắp ráp, với nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu hàng chục tỷ USD như điện thoại, dệt may, da giày... đều phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, trong khi nhập khẩu ít đi là tín hiệu không vui cho tương lai.
Hơn nữa, hoạt động xuất nhập khẩu được phản ánh qua chỉ số sản xuất công nghiệp, tuy nhiên, tăng trưởng của cả năm 2023 theo báo cáo của Bộ Công Thương chỉ đạt 2,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo (động lực tăng trưởng cho cả ngành sản xuất) tăng khoảng 3,1%, trong khi những năm trước luôn ở mức 7 – 9%, thậm chí là tăng trưởng hai con số.
Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022, xuất nhập khẩu thường chứng kiến tăng trưởng dương, nhưng đến hết ngày 15/12/2023, hầu hết nhóm ngành, đặc biệt là các nhóm ngành chủ lực đều tăng trưởng âm như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…
Nhận định về triển vọng năm 2024, tại một số sự kiện gần đây, các chuyên gia cho rằng tín hiệu phục hồi kinh tế mới là “lốm đốm, còn xu hướng chung vẫn khó khăn”. Vấn đề chung của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là chuyển từ xoay sở của năm 2023 thành “siêu xoay sở” cho năm 2024. Chỉ khi nào nhập khẩu nhiều hơn thì mới lạc quan về xuất khẩu.