June 02, 2023 | 06:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu lý do không mở rộng giảm thuế VAT với ô tô nhưng giảm 50% lệ phí trước bạ

Ánh Tuyết -

Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ nhất trí với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước nhưng mặt hàng này không thuộc diện được giảm VAT 2%. Tư lệnh ngành tài chính cùng nêu lý do 4 lý do chỉ giảm thuế VAT trong 6 tháng thay vì kéo dài như đề xuất của nhiều đại biểu...

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đồng thuận với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ sản xuất ô tô trong nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đồng thuận với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ sản xuất ô tô trong nước.

Chiều 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị mở rộng đối tượng giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó có mặt hàng ô tô; đồng thời, kéo dài thời gian áp dụng chính sách này đến năm 2024, thậm chí 2025.

THỊ TRƯỜNG SỤT GIẢM SÂU NHẤT TRONG 4 NĂM, CẦN GIẢM THUẾ VAT, PHÍ VỚI Ô TÔ

Đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT, nhằm giúp doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống trong bối cảnh kinh tế hiện nay đang gặp nhiều thách thức, tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), đề nghị nên rà soát và cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ.

Điều này nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó, đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô, bà Nguyễn Thị Việt Nga, khẳng định đây là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Một trong những công cụ hiệu quả được nhiều nước trên thế giới thực hiện điều chỉnh các chính sách về thuế, phí để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và hạ giá thành xe.

Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngành ô tô đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí bảo dưỡng sản phẩm, doanh thu sụt giảm, kéo theo dòng tiền bị tê liệt dẫn tới mất cân đối thu, chi, hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Do đó, rất cần chính sách mới được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ tình trạng này, trong đó, có thể áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe ô tô dưới 24 chỗ.

"Việc áp dụng mức thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách nhà nước 2% so với quy định hiện hành nhưng ô tô mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí như thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế, phí khác, như phí cấp biển, phí thuế xăng dầu, cầu đường. Vì vậy, nếu như kích cầu được trong lĩnh vực này tổng số thuế thu từ các loại thuế và phí khác phải chịu trên 1 chiếc xe ô tô sẽ vượt được số thuế 2% được giảm", bà Nga lý giải cho đề xuất này.

 

"Theo tính toán, một chiếc xe ô tô tầm trung nếu giảm 2% thuế VAT với mỗi xe bán ra Nhà nước sẽ giảm thu thuế từ 10 đến 15 triệu đồng, tuy nhiên, với một chiếc xe này được bán ra doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 200 triệu đến 300 triệu đồng", bà Nga tính toán.

Điều này góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt sẽ kích cầu thị trường để giải quyết các khó khăn hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đang phải đối mặt.

Mặt khác, theo đại biểu này, các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không khuyến khích tiêu dùng nhưng việc giảm thuế 2% chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn nên về cơ bản sẽ không ảnh hưởng tới tinh thần chung trong việc điều tiết không khuyến khích tiêu dùng đối với mặt hàng này. Bởi việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa tháo gỡ khó khăn mang tính thời điểm, xử lý hàng tồn kho của các doanh nghiệp ô tô đang gặp phải.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng khẳng định tác động tích cực và mạnh mẽ của chính sách giảm thuế, phí đến việc kích cầu phát triển ngành này.

Dẫn chứng số liệu báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam giai đoạn năm 2020-2022, bà Nga cho biết trong thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh bùng phát được tiêu thụ, góp phần vào việc tăng dung lượng thị trường, duy trì phát triển sản xuất, ổn định công việc cho người lao động và đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, trong giai đoạn hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ từ tháng 7-12/2020, số lượng xe bán ra tăng 77% so với 6 tháng đầu năm khi chưa áp dụng chính sách này.

Đến giai đoạn áp dụng giảm lệ phí trước bạ từ tháng 12/2021 - tháng 5/2022, số lượng xe bán ra đều tăng trung bình từ 10 - 20% so với những tháng trước khi có hỗ trợ và sau khi kết thúc hỗ trợ. Tổng doanh số bán xe toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi 6 tháng đầu năm 2022, với chính sách ưu đãi giảm lệ phí trước bạ được áp dụng, số lượng xe bán ra là 122.200 xe.

"Năm 2023 dù qua 4 tháng đầu năm nhưng số lượng xe bán ra chỉ ở mức 22.409 xe, thấp nhất trong 4 năm gần đây. Con số này cho thấy sự khó khăn ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt, trong khi ngành này đang đóng góp một phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước", bà Nga giãi bày.

Với những lý do và thực trạng nêu trên, vị đại biểu này đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe ô tô dưới 24 chỗ để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô, qua đó, ngành công nghiệp ô tô tiếp tục có những đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước để phát triển nền kinh tế. 

Trước đó, dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam), cho biết tính chung 5 tháng đầu năm có 133.600 chiếc xuất xưởng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, thị trường tiêu thụ ô tô trong nước sụt giảm mạnh mặc cho các hãng ô tô đang điều chỉnh đồng loạt giảm giá mạnh, có nơi giảm đến 12% giá bán lẻ so với giá niêm yết nhưng tình hình tiêu thụ rất hạn chế.

Do đó, đại biểu Bình đề xuất cần phải gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong năm 2023. Đồng thời, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và năm 2024.

THỜI GIAN GIẢM THUẾ VAT QUÁ NGẮN NGỦI

Nhất trí cao với chính sách giảm thuế VAT 2%, tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (đoàn TP. Đà Nẵng), cũng cho rằng một là, thời gian thực hiện 6 tháng cuối năm 2023 là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. 

Dù có những thời điểm nếu giảm thuế VAT sẽ tạo thêm điều kiện để tăng chi tiêu, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua, ví dụ như thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, dịp lễ, Tết cuối năm...nhưng sẽ có một số yếu tố như  tăng giá điện, tăng lương cơ sở làm tăng mặt bằng giá cả. Do đó, cần đánh giá kỹ lại việc kéo dài thêm 6 tháng cuối năm đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng, đủ để đạt được các mục tiêu đề ra hay không?

Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 - Ảnh: Quochoi.vn.

Hai là, với việc thực hiện chính sách không liên tục đối với những địa phương có ngành dịch vụ phát triển, nguồn thu ngân sách từ thu thuế VAT có tỷ trọng lớn sẽ bị tác động rất lớn khi thực hiện chính sách, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách, phải điều chỉnh dự toán thu và nhiệm vụ chi.

Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ và đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất.

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ ở hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà với cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.

VÌ SAO CHỈ GIẢM THUẾ VAT 6 THÁNG?

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về giảm thuế VAT 2% tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết thứ nhất, phương án này đã báo cáo qua Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm định và được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Thứ hai, Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, tức 6 tháng nữa.

Thứ ba, mức giảm và thời gian giảm thuế phù hợp với cân đối ngân sách.

Thứ tư, kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức trong giai đoạn hiện nay. Vì những lý do đó cho nên đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ 4 lý do chỉ giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ 4 lý do chỉ giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023.

Phản hồi ý kiến đại biểu về ô tô đưa vào giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Bộ Tài chính, chỉ rõ ô tô là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43 cho nên không đưa ô tô vào giảm thuế, bởi chính sách này chủ yếu áp dụng lĩnh vực thiết yếu.

Bên cạnh đó, "hiện phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn vấn đề giảm thuế, bởi chỉ giảm thuế thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm về việc Chính phủ đồng thuận với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ sản xuất ô tô trong nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate