Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga vào ngày 28/6 tới, động thái nằm trong nỗ lực tiếp tục gây sức ép đối với Moscow do cuộc chiến tranh ở Ukraine. Việc này cũng đồng thời ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm “lách” các lệnh trừng phạt hiện tại của phương Tây nhằm vào nước này.
Đây là thông tin được Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận vào sáng ngày 26/6 trong khi các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại Munich Đức, theo CNBC.
“Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ đối với Nga nhằm ngăn chặn Chính phủ nước này có nguồn thu cần thiết để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine”, ông Biden nói. “Cùng với nhau, G7 sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga – một mặt hàng xuất khẩu lớn mang lại hàng chục tỷ USD cho nước này”.
Động thái này của G7 nối tiếp hàng loạt biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt đối với Nga kể từ khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine hôm 24/2.
Các biện pháp trừng phạt đến nay được đưa ra nhằm gây áp lực với nền kinh tế Nga, bao gồm lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt cũng như giao dịch với các ngân hàng và cá nhân của Nga.
Hồi tháng 2, Mỹ, Canada và các nước đồng minh châu Âu đã loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT, cô lập quốc gia này khỏi phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu.
Cũng trong ngày 26/6, Chính phủ Anh xác nhận thông tin ông Biden đưa ra, cho biết nước này sẽ áp đặt lệnh cấm đối với vàng khai thác và tinh chế mới – không bao gồm vàng có thể đến từ Nga nhưng đã được xuất khẩu.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới Nga (WGC) hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, chiếm 10% tổng sản lượng vàng toàn cầu. Theo Reuters, lượng vàng mà Nga nắm giữ đã tăng gấp ba lần kể từ khi tiến hành sáp nhập vùng Crimea vào năm 2014. Đây là một tài sản quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).
Bất chấp các biện pháp trừng phạt ở mức độ chưa có tiền lệ đối với Điện Kremlin, đồng Rup Nga tuần trước cán mốc kỷ lục 7 năm. Cụ thể, đồng nội tệ của Nga đạt mức giá 52,3 Rup đổi 1 USD – mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Phía Nga cho rằng đây là “bằng chứng” cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây không mang lại hiệu quả.
Trên thực tế, đồng Rup tăng giá mạnh tới mức CBR đang chủ động thực hiện các biện pháp nhằm làm hạ giá đồng nội tệ do lo ngại hàng xuất khẩu của nước này trở nên kém cạnh tranh hơn.