April 17, 2023 | 06:00 GMT+7

Cần tháo gỡ tình trạng e ngại, chậm trễ trong công tác của cán bộ, công chức TP.HCM

Vân Nguyễn -

Trước tình hình yếu kém của nền kinh tế TP.HCM, lãnh đạo Thành phố đã chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Trong đó, việc khắc phục tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nêu rõ trong phiên làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh TTXVN
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác trong bối cảnh kinh tế Thành phố sụt giảm sâu.

"Thời điểm chống dịch, mỗi lần Thành phố gặp khó khăn, Thủ tướng đều xuất hiện, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo. Lần này cũng vậy. Mỗi lần Thủ tướng vào đều có một ý nghĩa riêng", Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết.

Trước tình hình khó khăn của kinh tế TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm điểm, đề ra biện pháp, nghiêm túc đánh giá trách nhiệm của mình. Kết quả của một quý chưa nói lên tất cả nhưng cũng nói lên nhiều điều để chuẩn bị cho các quý sau.

Nói về nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế Thành phố, người đứng đầu Thành ủy nêu rõ, khi tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đến năm 2020, có thể thấy đà tăng trưởng của Thành phố phố đang chậm dần. Còn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI cũng đã đưa ra 3 khâu đột phá của Thành phố, tuy nhiên nhìn lại thời điểm hiện tại, 3 khâu đột phát đó chính là 3 điểm nghẽn của TP.HCM, bao gồm hạ tầng kỹ thuật - xã hội, thể chế và nguồn nhân lực.

“Đứng trước bối cảnh chưa từng có, phức tạp và khó lường, Thành phố cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Bộ Chính trị đã đưa ra Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ, cho phép chúng ta tìm cách để giải quyết vấn đề về phát triển. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định thực hiện Kết luận 14 trong bối cảnh tình hình hiện nay để cán bộ yên tâm hành động vì lợi ích chung”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết, việc Thành phố có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có thật. 

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết thêm, hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định thực hiện Kết luận số 14, đây là nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí công tác của cán bộ. Về tình trạng cán bộ ngại làm do sợ sai phạm, ông Thăng cho rằng đây là vấn đề không chỉ của riêng TPHCM, Thành phố cần có chỉ thị để tháo gỡ tình trạng này.

“Chậm trễ trong thực thi công vụ và thái độ e ngại của cán bộ, công chức cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến kết quả phát triển kinh tế Thành phố quý 1 không đạt mục tiêu đề ra”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của Thành phố cũng như các địa phương khác là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, công chức, những người thực hiện công vụ. Theo Bộ trưởng, muốn khắc phục được vấn đề , không chỉ cần chủ trương mà còn cần có cơ chế, quy định để tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.

“Muốn làm được điều này, phải khắc phục được tư tưởng "3 không" của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là "không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng", vừa làm, vừa nghe ngóng.”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc của Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ, công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate