Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
XÁC ĐỊNH NĂNG LỰC TÀI CHÍNH “VỐN THỰC CÓ” CỦA NGƯỜI THAM GIA ĐẤU GIÁ
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau, cho rằng về xác định giá khởi điểm để đấu giá cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định của pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự.
Theo ông Thanh, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu giá chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá. “Cần sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế việc bỏ cọc nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối”, ông Thanh kiến nghị.
Khằng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam nhấn mạnh, điều này góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.
Đại biểu quan tâm đến đấu giá tài sản có giá trị lớn, khó định giá, tài sản phi vật thể như: Quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng. Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập, cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản, như đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản.
Theo đại biểu, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính là phổ biến. Theo Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản, không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.
Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai, hay “đấu giá hộ” không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào bảo lãnh của ngân hàng, hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc, hoặc trúng đấu giá xong thì triển khai dự án rất chậm trễ.
Ông Khải nhìn nhận, đây là vấn đề rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá tài sản quyền sử dụng đất. Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính, vốn thực có của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Vì vậy cần giải pháp kiểm soát được nguồn tài chính, nguồn vốn công khai, minh bạch của người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá trong các cuộc đấu giá.
Tại phiên thảo luận, đại biểu cũng đề cập đến vấn đề ngăn chặn hiện tượng cò đấu giá, quân xanh, quân đỏ lộng hành, thông đồng dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hay đe dọa người tham gia đấu giá để dìm giá, bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường; đồng thời kiến nghị Luật Đấu giá tài sản nên bổ sung nội dung các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản.
NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG “QUÂN XANH, QUÂN ĐỎ”
Nêu lên tình trạng việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau. Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, “tạo cơn sốt thị trường ảo”, tuy nhiên khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ “ảo” khó kiểm soát, “dìm giá”. Do đó, để hạn chế việc thông đồng, tình trạng “hồ sơ ảo”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông, hiện nay trong hoạt động đấu giá tài sản còn nhiều bất cập, tiêu cực như: Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thông đồng khống chế giá, nhất là còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập; quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn một số chưa hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.
Việc định giá tài sản xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Còn một số trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm gây nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.
Do đó đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản lợi dụng để trục lợi.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên tổ chức đấu giá tài sản quy định cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản lần này cần phải đảm bảo xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để những hành vi tiêu cực không thể lọt qua, đủ cứng và chắc chắn để không bị tác động làm cong vênh và với chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Đức Ấn, đoàn Hà Nội đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cũng như đánh giá của Chính phủ cho thấy, qua đấu giá cũng đạt được rất nhiều kết quả, nhiều tài sản qua đấu giá đạt những giá trị lớn, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.
Đặc biệt là trong báo cáo của Bộ Tư pháp đề cập tình trạng thông đồng dìm giá, quân xanh, quân đỏ, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện và chỉ có thể có sự vào cuộc của cơ quan công an bằng các biện pháp nghiệp vụ thì mới phát hiện ra.
Ông Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, đấu giá trực tuyến cần được khuyến khích và có lộ trình bắt buộc áp dụng để góp phần vào việc giảm tiêu cực trong đấu giá.
Vấn đề giá trị tiền cọc đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu và còn nhiều ý kiến khác nhau về tỷ lệ cọc. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An thống nhất về mức tiền đặt trước, mức tiền dặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Quy định này là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá.
Theo đại biểu, nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá. Dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Từ đó đại biểu đề xuất, người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Còn đại biểu Lê Tất Hiếu, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá, đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế xã hội, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm…