July 29, 2024 | 15:58 GMT+7

Châu Phi đang trở thành tâm điểm chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu

Bảo Huy

Trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh chóng và thách thức môi trường ngày càng gia tăng, Châu Phi đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong phong trào tăng trưởng xanh toàn cầu với lợi thế từ các nguồn tài nguyên tái tạo, tiềm năng khai thác, cơ hội kinh tế và sự hỗ trợ quốc tế đối với châu lục này...

Tấm pin mặt trời ở Mali, nhiều quốc gia châu Phi đang chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Ảnh: Panos / Giacomo Pirozzi
Tấm pin mặt trời ở Mali, nhiều quốc gia châu Phi đang chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Ảnh: Panos / Giacomo Pirozzi

Tháng 3/2023, ba công ty năng lượng tái tạo gồm Conjuncta (Đức), Infinity (Ai Cập) và Masdar (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã cùng ký một thỏa thuận với chính phủ Mauritania để phát triển một dự án hydro xanh khổng lồ tại quốc gia này, trị giá lên tới 34 tỷ USD.

Dự án đầy tham vọng này đặt mục tiêu sản xuất tới 8 triệu tấn hydro xanh mỗi năm, chủ yếu để xuất khẩu sang châu Âu. Mauritania là một ví dụ tiêu biểu về vai trò mà các quốc gia châu Phi đang đóng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu, theo Foreign Policy.

NGUỒN NĂNG LƯỢNG DỒI DÀO DO THIÊN NHIÊN ƯU ĐÃI

Những lợi thế về địa lý và khí hậu của Châu Phi mang lại cho châu lục này nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào về năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và địa nhiệt. Nguồn nhiên liệu tiềm năng to lớn và chưa được khai thác này đã đưa Châu Phi trở thành khu vực có triển vọng hàng đầu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Châu Phi có mức bức xạ mặt trời cao nhất thế giới.

Các quốc gia như Morocco, với Tổ hợp năng lượng mặt trời Noor và Ai Cập, với Công viên năng lượng mặt trời Benban đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Dự án Điện gió Hồ Turkana của Kenya khai thác các nguồn tài nguyên gió mạnh của khu vực để tạo ra điện cho hàng nghìn hộ gia đình.

Các con sông và vùng nước của Châu Phi cũng có tiềm năng thủy điện đáng kể. Đập Grand Ethiopian Renaissance trở thành một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất châu lục. Thung lũng Rift Đông Phi là điểm nóng về năng lượng địa nhiệt.

Các quốc gia như Kenya và Ethiopia đang đầu tư vào năng lượng địa nhiệt để đa dạng hóa tổ hợp năng lượng của họ và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đặc biệt, châu Phi chứa nhiều nguyên liệu thô quan trọng đối với cuộc đua phi carbon hóa toàn cầu. Châu lục này tự hào có tiềm năng năng lượng tái tạo cũng như các bể chứa carbon khổng lồ và là đối tác quan trọng với các cường quốc tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp xanh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong bối cảnh Mỹ và Châu Âu tăng cường nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ròng bằng không (net-zero), Trung Quốc với "giảm bớt rủi ro" (de-risk) từ chuỗi cung ứng xanh thì vai trò của châu Phi sẽ ngày càng quan trọng.

TÂM ĐIỂM CẠNH TRANH CHUYỂN ĐỔI XANH TOÀN CẦU

Cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra khiến Liên minh châu Âu (EU) buộc phải cắt giảm phụ thuộc khí đốt vào Nga và tăng cường đầu tư vào dầu khí ở châu Phi để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu tăng liên tục của mình.

Tuy nhiên, khối này vẫn tiếp tục gây sức ép buộc các chính phủ châu Phi tuân thủ các mục tiêu về năng lượng tái tạo, mặc dù các chính phủ này không thể cung cấp điện cho phần lớn dân số của họ.

Ví dụ, mới đây, Đức đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt tại Namibia trị giá 10 tỷ USD (con số này chỉ thấp hơn GDP của Namibia một chút). Dự án sẽ gồm một nhà máy khử muối và các trang trại năng lượng mặt trời lớn cung cấp năng lượng cho sản xuất hydro xanh. Trong khi gần một nửa dân số Namibia vẫn chưa được tiếp cận với lưới điện và đang phải đối mặt với hạn hán lịch sử, thì Dự án này chỉ sản xuất hydro xanh.

Bởi vậy, đối với các đối tác châu Phi, sự tham gia của phương Tây vào lục địa này mang theo nhiều hoài nghi, và các sáng kiến ​​mới về năng lượng xanh để tái hợp tác không thu hút được nhiều sự nhiệt tình của khu vực.

Kế hoạch của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một quan hệ đối tác mới với châu Phi có nguy cơ thất bại do sự hoài nghi của châu Phi đối với ý định của Pháp.

Giữa tháng 2/2022, EU và AU (Liên minh châu Phi) đã công bố nhiều dự án hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh và vacine tại hội nghị thượng đỉnh EU-AU, tuy nhiên các dự định này đã bị bỏ ngỏ sau khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine.

Tương tự, sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của EU cũng bị coi là quá thiếu thực chất và quá muộn.

 Châu Phi nổi lên như một nhân tố quan trọng trong phong trào tăng trưởng xanh toàn cầu. Ảnh: Smart Innovation Norway.
 Châu Phi nổi lên như một nhân tố quan trọng trong phong trào tăng trưởng xanh toàn cầu. Ảnh: Smart Innovation Norway.

So với các nước EU, Hoa Kỳ đạt được tiến triển tốt hơn trong hợp tác về năng lượng xanh với Châu Phi. Trong đó đáng chú ý là cam kết khoản đầu tư 369 triệu USD của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ cho an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và các dự án y tế được hứa hẹn tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-Châu Phi năm 2022.

Tuy nhiên, trên thực tế trong cuộc đua giành ảnh hưởng xanh tại châu Phi, Trung Quốc luôn chiếm ưu thế trong khi Mỹ và Châu Âu đang tỏ ra “hụt hơi”.

Với hơn 40 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi vào năm 2020, Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn Mỹ kể từ năm 2013 và đang chuẩn bị vượt qua châu Âu để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi vào năm 2030.

Một trong những thành phần chính của “cuộc chạy đua vũ trang công nghiệp xanh” đang diễn ra giữa Châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc là khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng, đây là đầu vào quan trọng cho các sản phẩm như pin và tấm pin mặt trời.

Hiện nhu cầu về lithium của EU dự kiến ​​sẽ tăng tới 18 lần vào năm 2030. Để sản suất một ắc quy xe điện cần khoảng 157 pound than chì, 90 pound niken, 49 pound đồng, 20 pound coban và 18 pound lithium.

Các quốc gia Châu Phi hiện chiếm hơn 2/3 sản lượng toàn cầu về coban, bauxit, bạch kim và nhiều vật liệu khác. 2/3 lượng coban của thế giới, một loại khoáng chất được sử dụng trong ắc quy xe điện, được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Khi đó, Châu Phi với tiềm năng hiện có sẽ cung cấp 1/5 nhu cầu của thế giới.

Châu Phi cũng nắm giữ giải pháp cho nhiều vấn đề nan giải của châu Âu liên quan đến các nguồn năng lượng khác nhau, chẳng hạn như đối với năng lượng hạt nhân, các mỏ urani của châu Phi sẽ thúc đẩy sự hồi sinh của ngành công nghiệp trên khắp châu Âu.

Gã khổng lồ hạt nhân của Pháp Orano-một công ty đa quốc gia chuyên về năng lượng hạt nhân và chu trình nhiên liệu hạt nhân, gần đây đã mở lại một dự án urani bị gác lại ở Niger. Nam Phi, Malawi và Namibia cũng sở hữu trữ lượng urani đáng kể.

Rõ ràng, khi sự cạnh tranh liên tục của phương Tây với Trung Quốc lan sang quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, cả 2 gã khổng lồ Hoa Kỳ và Châu Âu đều nhận ra rằng mối quan hệ với Châu Phi phải thay đổi căn bản. Mỹ và Châu Âu phải đảm bảo rằng các quan hệ đối tác mà họ đang xây dựng ở Châu Phi đôi bên cùng có lợi thay vì khai thác một chiều hay những cáo buộc tiến hành "thực dân kiểu mới".

Bản thân Châu Phi cũng sẵn sàng trở thành tâm điểm của chuyển đổi xanh toàn cầu. Tổng thống Kenya William Ruto từng quả quyết: “Quá trình chuyển đổi năng lượng và công nghiệp toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, và Châu Phi sẽ luôn trong thế sẵn sàng và chờ đợi”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate