Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ lộ trình các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất nhập khẩu. Theo đó, với bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp áp dụng từ ngày 1/1/2024. Với các nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông sẽ thực hiện từ 1/1/2027.
Riêng đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện- điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể, theo Điều 77 và Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các sản phẩm điện– điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế gồm: Tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hòa không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay; ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác;
Cùng với đó là các sản phẩm bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng; máy giặt, máy sấy; máy ảnh, máy quay phim; thiết bị âm thanh (loa, amply); máy tính để bàn; máy in, photocopy; điện thoại di động; tấm quang năng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện– điện tử sẽ không phải thực hiện trách nhiệm tái chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm, bao bì; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại); Nhà sản xuất bao bì có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Theo quy định, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm. Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ.
Nghị định cũng quy định rõ tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm bao bì trong 3 năm đầu. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh 3 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc theo quy định thì được bảo lưu phần tỷ lệ chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì sau 3 năm đầu tiên thực hiện quy định được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và ban hành trước ngày 30/9 năm cuối cùng của chu kỳ 3 năm để áp dụng cho chu kỳ 3 năm tiếp theo.
Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu điện– điện tử được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm theo một trong hai hình thức: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn một trong hai hình thức này; nếu chọn tổ chức tái chế thì không thực hiện đóng góp tài chính; nếu lựa chọn đóng góp tài chính thì không thực hiện tổ chức tái chế.
Nếu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, nhà sản xuất, nhập khẩu điện– điện tử có thể chọn: Tự thực hiện tái chế; Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; Ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế; hoặc kết hợp cả 3 cách thức nêu trên.
Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm.
Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Nếu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của năm trước về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3 hằng năm; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền toàn bộ cho bên được ủy quyền thì bên được ủy quyền có trách nhiệm đăng ký, báo cáo thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Nếu lựa chọn đóng tài chính, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng phải tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền trước ngày 31/3 hằng năm. Việc kê khai số tiền đóng góp tài chính được tính theo khối lượng sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu sản phẩm, bao bì của năm liền trước.
Trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: Lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20/4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20/10 cùng năm.
Trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu cao hơn so với kê khai thì phải nộp số tiền cho phần chênh lệch trong kỳ kê khai của năm tiếp theo; trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất và đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu thấp hơn so với kê khai thì được trừ số tiền đã nộp cho phần chênh lệch trong kỳ kê khai của năm tiếp theo.