Sáng 28/11/2022, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX trọng thể khai mạc với sự hiện diện của 1091 đại biểu. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chư tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội chủ trì đại hội.
Đến tham dự về phía Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận trung ương; ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành…
PHẬT GIÁO ĐÓNG GÓP LỚN VÀO KINH TẾ - XÃ HỘI
Phát biểu chào mừng Đại hội Phật giáo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kể lại: Trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới ngay sau khi nước nhà giành độc lập vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các hòa thượng, Tăng ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, du nhập vào Việt Nam từ hơn 2000 năm trước, với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống hộ quốc an dân, phù hợp với đời sống đạo đức văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận và tin theo.
Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất ở nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam ta.
Chủ tịch nước nhắc lại lịch sử nước ta đã ghi nhận từ xa xưa, Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Năm 544, vua Lý Nam Đế lập nên nước Vạn Xuân, đã xây dựng chùa thờ Phật và đặt tên là chùa Khai Quốc, tức là mở nước.
"Phát huy tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, Giáo hội Phật giáo các cấp luôn tích cực tham gia công tác xã hội, xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp xã hội, anh sinh xã hội, từ thiện nhân đạo… Những hoạt động có ý nghĩa cao đẹp này đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với chính quyền, với cộng đồng xã hội, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tiếp nối truyền thống đó, từ triều đại nhà Đinh, Tiền Lê đến Lý, Trần… thời nào cũng có các vị cao tăng đức cao trí trọng đứng ra giúp dân giúp nước. Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, nhiều Tăng ni, cư sĩ Phật giáo đã tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, nhiều vị đã anh dũng hy sinh, góp phần cùng quân và dân cả nước giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông.
Đề cập Phật giáo ngày nay, Chủ tịch nước khẳng định: "Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chung sức đồng lòng cùng toàn dân xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui".
Nhiều tăng ni và nhà chùa có vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng phát triển kinh tế văn hóa xã hội trên mọi địa bàn dân cư. Giáo hội cùng các Tăng ni đã tích cực hưởng ứng, vận động Phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể vận động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh… với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.
“Những hình ảnh cao đẹp ấy đầy tình nghĩa nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni Phật tử thực sự đã làm lay động trái tim hàng triệu đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh”, Chủ tịch nước khẳng định.
ĐÓNG GÓP HƠN 7.000 TỶ ĐỒNG VÀO CÔNG TÁC AN SINH, XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
Diễn văn khai mạc Đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 70 Đại Giới đàn truyền thụ giới pháp cho hơn 20 ngàn giới tử tiếp nối hậu lai, hàng trăm ngàn đồng bào Phật tử được quy y Tam bảo. Nhiều buổi thuyết pháp, tưởng niệm tri ân Anh hùng liệt sỹ, nhiều khóa tu mùa hè, khóa giảng và tu online được tổ chức đáp ứng cho nhu cầu của đồng bào Phật tử và giới trẻ thanh thiếu niên.
Công tác ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, có hiệu quả thiết thực chung tay thực hiện tốt sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được thực hiện thường xuyên, liên tục với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng
"Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đảm bảo Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan".
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.
Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cấp Giáo hội đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.
Cụ thể là hưởng ứng Chương trình do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động, mua sắm trang thiết bị y tế, xe cứu thương, thuốc cho bệnh nhân… và hàng trăm tấn lương thực gạo, thực phẩm rau quả, hàng triệu suất ăn yêu thương trong vùng tâm dịch, hàng nghìn túi an sinh, túi thuốc F0… Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để chung tay chiến thắng đại dịch đưa cuộc sống trở lại bình an.
Nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, tín đồ Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nỗ lực phấn đấu theo định hướng: Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển.
Tại Đại hội này, các đại biểu có nhiệm vụ tập trung thảo luận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, phương thức thực hiện hiệu quả các Phật sự trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế trong nhiệm kỳ vừa qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đại hội.
Đại hội cũng đón nhận lẵng hoa của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ban, ngành Trung ương, địa phương.
Cuối phiên khai mạc, lãnh đạo Nhà nước và Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt nam đã trao các bằng khen cho tập thể, cá nhân tiêu biểu của Phật giáo các cấp.