Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/10) nhờ sự bứt phá của cổ phiếu dầu khí, khi giá dầu thô tăng mạnh trong bối cảnh xung đột bùng lên giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Hai tài sản có độ an toàn cao là đồng USD và vàng cũng được nhà đầu tư mua vào.
Cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine vào Israel vào cuối tuần vừa rồi, và sự đáp trả quyết liệt của Israel sau đó, đang làm dấy lên mối lo ngại rằng xung đột quân sự này có thể vượt khỏi dải Gaza, lan rộng khắp Trung Đông - khu vực vốn dĩ luôn có nhiều mầm mống của sự bất ổn trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Trong những diễn biến cho thấy sự căng thẳng, Hamas đe doạ sẽ sát hại một con tin người Israel mỗi lần phía Israel ném bom nhà dân của Palestine mà không cảnh báo trước. Về phần mình, Israel đã huy động một số lượng lớn chưa từng thấy 300.000 quân dự bị và tiến hành phong toả dải Gaza - một động thái khiến giới quan sát lo ngại rằng Israel có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trên bộ.
Vào đầu phiên giao dịch, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm, có lúc Nasdaq mất 1%. Tuy nhiên, sắc xanh dần chiếm ưu thế sau đó, đưa thị trường kết thúc phiên trong trạng thái tăng với vai trò trụ cột thuộc về cổ phiếu dầu khí. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, dầu khí là nhóm tăng mạnh nhất phiên này, với mức tăng 3,5%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 197,07 điểm, tương đương tăng 0,59%, đạt 33.604,65 điểm. S&P 500 tăng 0,63%, đạt 4.335,66 điểm. Nasdaq tăng 0,39%, đạt 13.484,24 điểm.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy một thị trường kiểu ‘bán cái đã, rồi tính sau’. Thị trường bây giờ đang hướng toàn bộ sự chú ý tới các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm khả năng leo thang của xung đột. Đang có một nỗ lực ngoại giao tổng lực toàn cầu để ngăn xung đột lan sang khu vực nhiều dầu lửa”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin Reuters.
Theo nhận định của chiến lược gia Tina Fordham từ công ty Fordham Global Foresight, chiến tranh là một động lực tăng của lạm phát, nhất là các cuộc xung đột ở Trung Đông, nơi được coi là “vựa dầu” của thế giới. Nếu xung đột này kéo dài và lan rộng, giá dầu có thể bị đẩy lên cao, làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Một môi trường như vậy sẽ không có lợi cho cổ phiếu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 3,57 USD/thùng, tương đương tăng 4,2%, chốt ở 88,15 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,59 USD/thùng, tương đương tăng 4,3%, chốt ở 86,38 USD/thùng.
Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đo giá cổ phiếu của các thị trường chứng khoán mới nổi giảm 0,2%; chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm gần 0,3%; nhưng chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu tăng 0,4%. Giá vàng tăng hơn 1,5%, chốt ở mức cao nhất trong 1 tuần.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng mạnh vào đầu phiên giao dịch, nhưng chốt phiên với mức giảm 0,16%.
Xung đột bùng lên ở dải Gaza đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ đang đương đầu với áp lực giảm từ mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Nhà đầu tư đang chờ dữ liệu lạm phát tháng 9 dự kiến công bố trong tuần này để căn chỉnh kỳ vọng chính sách tiền tệ. Trong đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đến là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm.
Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 ở Phố Wall cũng sẽ chính thức khởi động trong tuần này, với loạt báo cáo đến từ các ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase.
“Dĩ nhiên, bất ổn địa chính trị sẽ khiến thị trường có chút lo sợ. Nhưng lịch sử cho thấy rằng ảnh hưởng trong dài hạn của các sự kiện địa chính trị thường chỉ ở mức hạn chế”, chiến lược gia trưởng toàn cầu Meera Pandit của JPMorgan Asset Management nhận định.