Mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu không chỉ ở Mỹ mà cả ở Trung Quốc đẩy giá dầu rớt xuống mức thấp nhất 8 tháng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 1,84%, còn 5.346,56 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 610,71 điểm, tương đương giảm 1,51%, còn 39.737,26 điểm, sau khi chạm đáy của phiên ở thời điểm giảm 989 điểm.
Chỉ số Nasdaq sụt 2,43%, còn 16.776,16 điểm. Phiên giảm này khiến Nasdaq mất hơn 10% so với mức kỷ lục gần đây nhất, đồng nghĩa chỉ số đã rơi vào trạng thái điều chỉnh.
Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi tăng trưởng việc làm tháng 7 ở Mỹ giảm tốc mạnh hơn kỳ vọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp đến từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới trong tháng là 179.000 công việc, so với con số 185.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% từ 4,1% trước đó.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái do nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu để tìm kiếm an toàn. Họ lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã phạm một sai lầm khi không cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào tuần này.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn chứng kiến mức giảm sâu trong phiên này, khi báo cáo tài chính quý 2 của Amazon khiến nhà đầu tư lo ngại về mức đầu tư quá lớn cơ bản quá lớn của các công ty công nghệ vốn hóa lớn cho trí tuệ nhân tạo (AI). Cổ phiếu Amazon giảm 8,8% sau khi công ty không đạt doanh thu như kỳ vọng và đưa ra triển vọng doanh thu gây thất vọng.
Intel giảm 26% sau khi công bố dự báo ảm đạm về kết quả kinh doanh quý tới và kế hoạch sa thải nhân viên. Nvidia giảm 1,8%, sau khi giảm 6% vào phiên ngày hôm trước.
Như vậy, Nasdaq đã trở thành chỉ số đầu tiên trong số 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh. S&P 500 và Dow Jones hiện đã giảm tương ứng 5,7% và 3,9% kể từ mức đỉnh mọi thời đại.
Chiến lược gia Adam Turnquist của công ty LPL Financial cho rằng phiên giảm ngày thứ Sáu là một điều tự nhiên trong một thị trường giá lên: sau một thời kỳ tăng mạnh, những phiên giảm như vậy là tất yếu.
“Khi sang tháng 7, Nasdaq đã ở trong tình trạng mua quá nhiều (overbought), nhất là ở cổ phiếu các nhà sản xuất bán dẫn. Cho tới gần đây, cơn số AI đó vẫn chưa thực sự trải qua một phép thử thực tế”, ông Turnquist nói với hãng tin CNBC, cho rằng đây chưa phải là hồi kết của câu chuyện AI.
Tuy nhiên, bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu không chỉ tập trung vào cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu ngân hàng cũng bị bán mạnh vì mối lo suy thoái, như Bank of America giảm 4,9% và Wells Fargo giảm 6,4%.
Tuần này là một tuần biến động mạnh của chứng khoán Mỹ, với S&P 500 có 3 phiên liên tiếp dịch chuyển hơn 1% mỗi phiên tính đến ngày thứ Sáu. Hôm thứ Tư, thị trường tăng mạnh sau khi Fed phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Sau báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng Fed lẽ ra phải hành động ngay trong cuộc họp hôm thứ Tư.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,71 USD/thùng, tương đương giảm 3,41%, còn 76,81 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,79 USD/thùng, tương đương giảm 3,66%, còn 73,52 USD/thùng.
Ở thời điểm chạm đáy của phiên, giá cả hai loại dầu đều giảm hơn 3 USD/thùng.
“Thị trường dầu tuần này lúc đầu bị chi phối bởi yếu tố nhu cầu. Sau đó, trong 2 phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị. Tiếp đó, dầu bị bán tháo vì số liệu việc làm”, nhà kinh tế trưởng Tim Snyder của công ty Matador Economics nhận định với hãng tin Reuters.
Số liệu kinh tế của Trung Quốc và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất đang yếu đi ở khắp châu Á, châu Âu và Mỹ. Điều này đặt ra khả năng kinh tế toàn cầu giảm tốc, gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ dầu.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng trong tháng 7, do nguồn cung dầu của Saudi Arabia tăng và những mức tăng sản lượng nhỏ ở các nơi khác gộp chung lại lớn hơn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên trong nhóm và trong liên minh OPEC+.
OPEC bơm 26,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng trước, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 6 - theo khảo sát dựa trên dữ liệu vận tải biển và thông tin từ các nguồn tin trong ngành.
Cuộc họp của OPEC+ vào hôm thứ Năm quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng, bao gồm kế hoạch bắt đầu thu hẹp một chương trình cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 10 năm nay.