September 08, 2023 | 14:24 GMT+7

Chuyển dịch năng lượng bền vững cần đảm bảo 4 yếu tố cốt lõi

Chu Khôi -

Để quá trình chuyển dịch năng lượng thành công, đòi hỏi cần 4 yếu tố cốt lõi: Công nghệ; Tạo ra thị trường sản xuất năng lượng cạnh tranh và minh bạch; Chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo; Cần sớm nghiên cứu và ban hành luật năng lượng tái tạo…

Công suất lắp đặt điện mặt trời tăng rất nhanh trong những năm qua.
Công suất lắp đặt điện mặt trời tăng rất nhanh trong những năm qua.

Từ ngày 7 - 9/9/2023, tại TP.HCM, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam (VJTC) và Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS) phối hợp tổ chức hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo (MERE) Việt Nam 2023”. 

 CƠ CẤU ĐIỆN TẠI VIỆT NAM CÓ NHIỀU THAY ĐỔI

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết cơ cấu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tăng rất mạnh, hiện đã đạt 29% trong tổng cung ứng điện năm 2022, dự kiến sẽ đạt 35% vào năm 2025.

Tính đến tháng 5/2023, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 80.704 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia), đứng thứ 23 trên thế giới.

Trong đó, công suất nhiệt điện than khoảng 26.087 MW, chiếm 32,3%; thủy điện khoảng 22.999 MW, chiếm 28,5%; điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) khoảng 16.567 MW, chiếm 20,5%; tuabin khí khoảng 7.398 MW, chiếm 9,2%; điện gió khoảng 5.059 MW chiếm 6,3%; các nguồn khác bao gồm nhiệt điện dầu, điện sinh khối và nhập khẩu có tổng công suất 2.594 MW, chiếm 3,2%.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tổng điện sản xuất toàn quốc năm 2022 đạt khoảng 268,4 tỷ kWh, tăng 5,3% so với năm 2021. Trong cơ cấu điện năng sản xuất toàn quốc năm 2022, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 39,1%, đứng thứ hai là nguồn thủy điện chiếm 35,4% và thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 11%, các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió và sinh khối) chiếm 12,9%, các nguồn khác chiếm 1,5%.

 

 “Tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện) đến năm 2050 lên tới gần 400 GW, chiếm 69,8% trong tổng công suất nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, thể hiện tỷ trọng nguồn điện được duy trì và phát triển năng lượng tái tạo rất cao. Điện năng từ tổng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 71,5% tổng sản xuất điện”.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3).

Hiện nay, tổng công suất điện mặt trời và điện gió trên bờ, gần bờ của Việt Nam đạt được khoảng 21.600MW, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.  

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), dự kiến đến năm 2030 chỉ phát triển 30.127 MW điện than. Sau năm 2030 sẽ không phát triển thêm điện than, đồng thời các nhà máy phải chuyển dần các sang đốt kèm sinh khối/amoniac từ năm 2035

Tổng công suất điện LNG đến năm 2030 là 22.400 MW. Đến năm 2035 quy mô điện LNG cũng chỉ  đến 25.400 MW nhưng đã bắt đầu đốt kèm hydro khoảng 10%. Sau năm 2035 sẽ không tăng thêm nguồn này, và các nhà máy sẽ dần chuyển sang đốt kèm, tiến tới đốt hoàn toàn hydro/amoniac.

Do tiềm năng thủy điện không còn nhiều, dự kiến đến năm 2030 sẽ có tổng 29.346 MW thủy điện các loại, đến năm 2050 con số này là hơn 36.000 MW, chủ yếu tăng thêm thủy điện nhỏ.

Trong Quy hoạch điện 8, quy mô nguồn điện gió từ khoảng 4.200 MW hiện nay sẽ tăng lên 27.880 MW vào năm 2030 và 168.550 MW vào năm 2050. Như vậy, công suất điện gió năm 2030 gấp 6,75 lần hiện nay, năm 2050 gấp gần 41 lần hiện nay. Với điện mặt trời, quy mô cũng lên đến 20.591 MW vào năm 2030 và 189.000 MW vào năm 2050.

Ông Dũng thông tin thêm, thời gian qua, do các dự án điện mặt trời phát triển quá “nóng” để kịp hưởng cơ chế FIT đã gây nghẽn mạch nhiều đường dây truyền tải, phải cắt giảm năng lượng; một số dự án sai phạm do chưa hoàn thành đủ các thủ tục đầu tư xây dựng… Nhiều dự án điện mặt trời đã được bổ sung trong Điều chỉnh quy hoạch và chưa triển khai xây dựng, nhưng Chính phủ đã dừng lại để rà soát.

Vì vậy, từ nay đến năm 2030 chưa có thêm các nguồn điện mặt trời tập trung được đưa vào. Nhưng các loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được phép phát triển mạnh. Đến năm 2050 dự kiến các nguồn điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu lên đến 39.500 MW

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết Chiến lược phát triển carbon thấp là Chiến lược năng lượng mà các nước trên thế giới đang cam kết theo đuổi. Đồng thời cũng chỉ ra 4 vấn đề thách thức lớn cho tương lai phát triển nguồn điện của Việt Nam:

Thứ nhất: Gia tăng năng lượng tái tạo cần phải được gắn kết phù hợp với giá thành sản xuất có tính đến chi phí hệ thống.

Thứ hai: Tích hợp quy hoạch tổng thể ngành điện.

Thứ ba: Quản lý năng lượng tái tạo biến đổi.

Thứ tư: Lưu trữ điện năng.

Theo ông Tuấn, Luật Điện lực 03/2022, đã có những sửa đổi cho phép các thành phần kinh tế được đầu tư lưới điện truyền; nhà đầu tư tự vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư. Tuy nhiên, chưa có Nghị định và quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện nên Luật đã sửa 1,5 năm nay nhưng vẫn thiếu điều kiện để triển khai.

“Sự phát triển của ngành năng lượng đang đặt ra vấn đề mới là quản lý nhu cầu nguồn năng lượng phân tán. Khi các nguồn điện nhỏ, tự sản tự tiêu không bị ràng buộc hạn chế, được phát triển nhanh và nhiều trong tương lai, điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải và biểu đồ tiêu thụ”, ông Tuấn nêu vấn đề.

 
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng.

"Một số người cho rằng Việt Nam vẫn cần phải theo đuổi con đường phát triển với phát thải carbon cao trước khi chuyển sang Phương thức phát thải carbon thấp. Đây là một quan niệm sai bởi vì căn cứ vào các kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu cho thấy chiến lược phát triển carbon thấp sẽ tạo ra các cơ hội phát triển nhanh hơn, chi phí thấp hơn và thông minh hơn cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Với tốc độ điện hóa giao thông vận tải cao sẽ có ảnh hưởng lớn đến phụ tải cả về công suất lẫn điện năng. Với một số giả thiết cho đến 2040, có thể ước tính ra được công suất cần riêng cho phương tiện giao thông vận tải có thể lên đến 50-80 GW, với điện năng tiêu thụ lên đến 40-50 tỷ kWh.

“Khí LNG và hydrogen xanh sẽ là 2 nguồn năng lượng quan trọng nhất vào năm 2050. Do đó, cần phát triển hạ tầng LNG và khí đốt (đường ống, hệ thống lưu trữ...) sao cho phù hợp với quy hoạch điện quốc gia để đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định. Cần xây dựng Chiến lược hydrogen Xanh, đảm bảo thực hiện hài hòa giữa phát triển năng lượng tái tạo và tiêu thụ khí hydro”, ông Tuấn khuyến nghị.

TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng quá trình chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi cần 4 yếu tố cốt lõi.

Một là, công nghệ, đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng. Hiện nay, năng lượng tái tạo đang chiếm hơn 1/3 công suất lắp đặt trên thế giới (3.372 GW/8.890 GW), nhờ công nghệ phát triển nhanh đã giúp giá quy dẫn điện gió đã giảm 70% và điện mặt trời đã giảm 89% trong 10 năm vừa qua.

Hai là, nền kinh tế cạnh tranh. Nếu không tạo ra được một thị trường sản xuất năng lượng cạnh tranh và minh bạch, sẽ rất khó để thực hiện chuyển dịch năng lượng trên quy mô vùng lãnh thổ hay quốc gia.

Ba là, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Nếu thiếu chính sách hỗ trợ, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ diễn ra rất chậm.

Bốn là, cần sớm nghiên cứu và ban hành luật năng lượng tái tạo chi tiết hóa, với vai trò chủ đạo cho việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.  Đặc biệt, cần cụ thể hóa trong luật năng lượng tái tạo các cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và ổn định trong thời gian dài để đảm bảo cho việc chuyển dịch năng lượng bền vững và hợp lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate