Rừng có giá trị vô cùng cao và đa dụng, đặc biệt là giá trị chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng người dân. Chính vì vậy việc đầu tư phục hồi rừng cần có sự chung tay của các bên liên quan từ Chính phủ doanh nghiệp cộng đồng để bảo vệ cho tương lai một Việt Nam xanh hơn nữa...
NHỮNG THUẬN LỢI KHI TRIỂN KHAI TÍN CHỈ CARBON RỪNG
Chia sẻ tại hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững”, bà Nghiêm Phương Thúy đại diện Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn cho biết, thời gian qua Cục đã thực hiện nhiều chương trình kế hoạch như: Đề án 1 tỷ cây xanh, Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai.
Tất cả những chủ trương chính sách của ngành này liên quan đến tín chỉ các-bon rừng như: Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp, Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn… cũng nhằm đáp ứng cho việc phát triển bảo vệ rừng, thúc đẩy cung ứng trao đổi tín chỉ carbon từ rừng.
Nhận định về thị trường tín chỉ carbon hiện nay, bà Nghiêm Phương Thúy cho rằng thị trường tự nguyện quốc tế và một số thị trường bắt buộc của một số quốc gia cũng như vùng lãnh thổ đang vô cùng sôi động.
Thông tin về việc triển khai trao đổi tín chỉ carbon rừng của Việt Nam hiện nay, đại diện Cục lâm nghiệp cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện trao đổi 2 Chương trình dự án Carbon lâm nghiệp trên thị trường tự nguyện.
Chương trình thứ nhất là Chương trình giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (ERP), áp dụng tiêu chuẩn carbon của quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp gọi tắt là FCPF. 95% lượng tín chỉ chuyển nhượng được tính vào cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
“Để được Quỹ FCPF cấp 16,21 triệu tín chỉ - là kết quả giảm phát thải của 2018-2019, chúng tôi phải xây dựng báo cáo giám sát kết quả, kết quả này được tín chỉ hóa tức là đã trở thành tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Chúng tôi đã chuyển nhượng cho WB và Quỹ FCPF tín chỉ carbon chứ không phải kết quả giảm phát thải. Hiện nay chúng tôi đã chuyển nhượng được 10,3 triệu tấn CO2, là toàn bộ lượng tín chỉ theo con số chính thức”.
Còn lại hiện Việt Nam dư thừa gần 6 triệu tấn CO2 và World Bank đang đề xuất mua 1 triệu tấn nữa. Bộ Nông nghiệp Phát triển & Nông thôn đang hoàn thiện thủ tục để xin chuyển nhượng bổ sung hơn 1 triệu tín chỉ carbon này.
Chương trình thứ 2 mà Bộ Nông nghiệp Phát triển & Nông thôn đang được giao chủ trì xây dựng, là ký với tổ chức LEAF/Emergent nghị định thư triển khai xây dựng và đàm phán Thỏa thuận giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ cho 11 tỉnh của vùng. Dự kiến phía LEAF/Emergent sẽ mua tối thiểu khoảng 5,15 triệu tấn tín chỉ carbon rừng với giá từ 10$/tấn CO2. 100% lượng tín chỉ chuyển nhượng được tính vào cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
Bà Thúy cho biết, hiện Cục đã trình hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ, trong hồ sơ dự kiến trong 2 năm 2021-2022, 11 tỉnh này sẽ tạo ra khoảng 8 triệu tín chỉ CO2 để chuyển nhượng cho LEAF/Emergent. Chương trình này không áp dụng chuẩn FCPF mà áp dụng tiêu chuẩn TREES của nền tảng giao dịch REDD+.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, do FCPF và LEAF/Emergent có tiêu chuẩn khá ngặt nghèo nên hiện không có tín chỉ nào đến từ rừng trồng nên những tín chỉ Chương trình đang triển khai chủ yếu đến từ từng tự nhiên.
Đúc kết từ thực tế triển khai 2 Chương trình, đại diện Cục Lâm nghiệp đã chỉ ra một số thuận lợi như sau:
Thứ nhất, nhiều chủ trương của Đảng, các chính sách, chiến lược, nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành, cũng như chiến lược Quốc gia, chương trình phát triển của ngành nông nghiệp đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển rừng để tăng khả năng hấp thụ cũng như ngăn ngừa, giảm phát thải.
Thứ 2 là chương trình này có khá nhiều thuận lợi, đó là chúng ta đã có sự chuẩn bị, hiện nay khung chính sách thị trường tín chỉ carbon trong nước đang được xây dựng hình thành.
Thuận lợi thứ 3 là ngành Nông nghiệp đã có quy định hướng dẫn riêng về giảm phát thải, giảm khí nhà kính, đo đạc giảm nhẹ trong lĩnh lâm nghiệp để làm cơ sở báo cáo kết quả của ngành về những đóng góp vào NDC.
Thứ 4 là nhu cầu bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế là có thật. Có nhiều nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hỗ trợ phát triển tín chỉ rừng, đặc biệt là trong những năm gần đây nhu cầu bù trừ tín chỉ trong nước tăng rất mạnh với những thỏa thuận sáng kiến mới của Quốc tế như sáng kiến về CBAM của EU và tới đây là Hoa Kỳ. Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nỗ lực giảm phát thải nếu muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
“Nhu cầu tín chỉ carbon sẽ tăng mạnh trong thời gian tới cả trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tiếp cận chúng tôi với mong muốn mua các tín chỉ carbon rừng để bù trừ vào phần phát thải”, bà Nghiêm Phương Thúy nhận định.
Khẳng định tiềm năng về tín chỉ carbon rừng của Việt Nam vô cùng lớn, Bà Thúy cho hay “dự kiến 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ có 8 triệu ha tín chỉ các bon rừng năm 2021-2022 có thể được chuyển nhượng cho LEAF/Emergen”.
KHÔNG PHẢI CỨ TRỒNG CÂY LÀ CÓ TÍN CHỈ
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi “khó khăn thách thức cũng vô cùng nhiều. Đó là vấn đề về truyền thông và nhận thức về tín chỉ carbon rừng xung quanh câu chuyện về giá cả, về việc rừng nào tạo được nhiều tín chỉ, rừng nào bán được nhiều hơn”, bà Thúy cho hay.
Chẳng hạn như thông tin rừng Dừa 25.000 cây có thể bán được tín chỉ trị giá 25.000$. Hoặc 1 ha rừng Điều có thể bán được 400$ tín chỉ carbon là mức cao hơn cả rừng tự nhiên rất nhiều. “Những thông tin đó không chính xác”.
“Hay có thông tin nói rằng cứ có cây có đất là có tín chỉ. Về mặt lý thuyết thì đúng, nhưng để từ cây thành tín chỉ, được công nhận và đưa ra trao đổi trên thị trường thì phải mất rất nhiều công đoạn, nguồn lực để tín chỉ hóa”.
Bà Thúy chia sẻ: cả 2 chương trình tín chỉ carbon rừng mà Cục đang thực hiện đều phải có sự hỗ trợ từ phía đối tác. Cụ thể, Chương giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (ERP) đã được WB tài trợ dự án kỹ thuật gần 9 triệu USD để chuẩn bị, triển khai và xây dựng tài liệu đăng ký cấp tín chỉ, xây dựng các điều kiện hiệu lực để chuyển nhượng tín chỉ. Với chương trình LEAF, Cục Lâm nghiệp cũng phải huy động rất nhiều nguồn lực từ các tổ chức quốc tế khác nhau để hỗ trợ.
Tiếp đó, là vấn đề thể chế chính sách. Theo bà Thúy, “mặc dù hiện nay chúng ta đã ban hành một số hướng dẫn liên quan đến tín chỉ carbon rồi nhưng những vấn đề về quyền carbon (quyền sở hữu, sử dụng) bán như thế nào thì chưa có quy định cụ thể”.
Mặt khác, sự sẵn sàng của thị trường trong nước và ngành nông nghiệp để phát triển tín chỉ carbon rừng vừa là điều kiện thuận lợi vừa là khó khăn vì việc Thị trường tín chỉ carbon trong nước có thể chính thức vận hành vào 2028 hay chưa cũng không chắc chắn.
Về nhu cầu sử dụng tín chỉ của thị trường trong nước, theo Nghị định 06 cũ quy định doanh nghiệp chỉ được mua 10%, Nghị định 06 sửa đổi dự kiến tăng lên 20% lượng tín chỉ được mua để bù phần doanh nghiệp còn thiếu do phát thải. Nhưng bà Thúy cho rằng có thể nhu cầu sẽ giảm đi khi doanh nghiệp không thể mua 100% tín chỉ bù trừ.
Một thách thức khác là ngành Nông nghiệp sẽ đối mặt là phải tăng mức đóng góp vào NDC. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực đầu tư hỗ trợ kỹ thuật và năng lực của các bên liên quan vẫn còn hạn chế.
Bà Thúy cho hay, với định hướng là sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải, hiện Cục Lâm nghiệp đang triển khai nghiên cứu những chương trình tín chỉ carbon chất lượng cao như Carbon xanh.
Do đó, trong thời gian tới cơ quan này sẽ tiến hành truyền thông tập huấn kỹ thuật cho các bên liên quan; tổ chức kiểm kê khí nhà kính của các địa phương để phân bổ hạn ngạch NDC cho từng tỉnh để nếu họ dư thừa tín chỉ carbon sau khi bù phát thải mới được bán.
Hiện Cục đang soạn thảo bộ Tài liệu hỏi đáp về Tín chỉ carbon rừng và sẵn sàng chia sẻ với những ai quan tâm.
Đồng thời, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng ban hành tiêu chuẩn carbon rừng và các cơ chế vận hành tiêu chuẩn này cũng như huy động nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của các bên liên quan để thúc đẩy việc phát triển bảo vệ rừng, thúc đẩy cung ứng trao đổi tín chỉ carbon từ rừng, bà Thúy cho hay.