Rất nhiều cổ phiếu hạ độ cao thêm trong phiên chiều nay, độ rộng cũng kém hơn nhiều so với phiên sáng, nhưng một vài cổ phiếu vốn hóa lớn lại tiến triển rất tốt. VN-Index sau một nhịp chao đảo, đã lấy lại được độ cao và ổn định mức tăng gần 9 điểm giữa bối cảnh thanh khoản rất kém.
VN-Index tạo đáy thấp mới trong phiên khoảng 14h, chỉ còn tăng chưa tới 4 điểm. Độ rộng đảo ngược, với 170 mã tăng/259 mã giảm, tức là rất nhiều cổ phiếu đã rơi đủ mạnh để lọt xuống dưới tham chiếu, trong khi cuối phiên sáng vẫn còn là 272 mã tăng/140 mã giảm.
Rõ ràng áp lực bán có tăng lên dù không đẩy thanh khoản tăng. Nhà đầu tư đã hạ giá bán và khoảng trống về sức mua khiến giá rơi xuống, hơn là do cung quá tải. Những phút cuối phiên độ rộng có phần cân bằng lại được, với 226 mã tăng/208 mã giảm.
Độ rộng này vẫn là hẹp hơn nhiều so với phiên sáng và ngay trong rổ VN30 cũng có tới 20 mã tụt giá so với buổi sáng, chỉ 6 mã tăng thêm. Dù độ rộng của rổ blue-chips còn tốt, với 18 mã tăng/8 mã giảm nhưng mặt bằng giá nhìn chung là thấp hơn. VN30-Index kết phiên tăng 0,38%, trong khi Midcap giảm 0,6%, Smallcap giảm 0,27% và VN-Index tăng 0,68%.
Mức tăng vượt trội của chỉ số chính thể hiện sức mạnh đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn trong chỉ số này – thay vì trong VN30. Như trên đã nói, chỉ có 6 cổ phiếu trong nhóm blue-chips tiếp triển cao hơn phiên sáng, nhưng may mắn là có mặt GAS và VCB. Hai mã này thậm chí là những cổ phiếu tăng tốt nhất nếu tính riêng chiều nay.
GAS buổi sáng bị xả thấy rõ, giá đang tăng trên 2% thì tụt về tham chiếu lúc cuối giờ. Sang chiều cổ phiếu này có cải thiện và càng về cuối phiên càng mạnh. GAS đóng cửa lại tăng 1,19% so với tham chiếu, vươn lên vị trí thứ 4 trong top những mã kéo VN-Index.
VCB đặc biệt hơn, cổ phiếu này cuối phiên sáng đã tăng 2,55% nhưng nửa đầu phiên chiều lại tụt dốc, thu hẹp mức tăng còn khoảng 2%. Tuy vậy từ 2h trở đi VCB bật lên mạnh mẽ, trở thành nòng cốt cho nhịp hồi cuối cùng ở chỉ số. VBC còn tăng vượt cả đỉnh cao nhất buổi sáng và đóng cửa tại đỉnh, tăng 4,24% so với tham chiếu. Như vậy riêng chiều nay VCB tăng khoảng 1,65% so với giá cuối phiên sáng.
Hôm nay cũng là phiên tăng giá tốt nhất của VCB kể từ cuối tháng 1/2022 và đưa giá lên mức cao nhất 6 tháng. Kể từ đáy 2022 cách đây 31 phiên, VCB đã tăng giá 20,6% và thanh khoản cũng cao nhất 4 tháng.
Điều hơi buồn là VCB bùng nổ không lôi kéo được cả nhóm cổ phiếu ngân hàng mạnh theo. Đúng hơn, toàn bộ số cổ phiếu ngân hàng còn lại trong rổ VN30 chiều nay lại tụt giá so với phiên sáng. Đó là thiệt thòi lớn cho VN30-Index, dù VN-Index vẫn được hưởng lợi khá nhiều từ VCB, đặc biệt là trong 30 phút cuối. Chỉ riêng cổ phiếu này đã giúp chỉ số có tới hơn 4,3 điểm, nghĩa là một nửa tổng tăng của VN-Index.
Khả năng neo giữ chỉ số của các mã trụ đang tạo ấn tượng thị trường giằng co đi ngang. Dù vậy chiều nay thanh khoản lại tụt xuống mức thấp mới với gần 6.328 tỷ đồng trên hai sàn khớp lệnh, giảm 15% so với buổi sáng. Tính chung cả ngày giao dịch khớp lệnh giảm 36% so với hôm qua, đạt 13.774 tỷ đồng. Đây thậm chí là mức thấp nhất trong 12 phiên.
Dòng tiền quá kém nên rất ít cổ phiếu tăng giá tốt cùng thanh khoản mạnh. Cả sàn HoSE lúc kết phiên có 81 cổ phiếu tăng giá từ 1% trở lên, nhưng chỉ có 22 mã đạt thành khoản từ 20 tỷ đồng trở lên. Những mã giao dịch trên trăm tỷ là GVR tăng 6,81%, VCB tăng 4,24%, PHR tăng 3,82%, DGC tăng 2,88%, PDR tăng 2,42%, DBC tăng 2,13%, CTG tăng 1,79%, VHC tăng 1,57%.
Tuy vậy cũng có hàng tá cổ phiếu thanh khoản rất cao khác giảm giá mạnh, thể hiện áp lực bán giá thấp mạnh đáng kể. KBC giảm 2,67% giao dịch 450,7 tỷ đồng, DXG giảm 4,41% giao dịch 305,3 tỷ, DIG giảm 4,52% giao dịch 294,4 tỷ, SSI giảm 1,84% thanh khoản 294,2 tỷ, VND giảm 2,25% thanh khoản 291,5 tỷ... Trong Top 10 thanh khoản lớn nhất thị trường thì chỉ có 4 mã tăng, còn lại 6 mã giảm với số tăng duy nhất DGC là mạnh. Điều đo cho thấy ở nhóm dòng tiền tập trung nhất, áp lực bán hạ giá vẫn hoàn toàn áp đảo.