November 20, 2024 | 08:25 GMT+7

Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới

Ngọc Lan -

Hội thảo với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 21/11/2024...

Hội thảo sẽ trao đổi, làm rõ, minh bạch các thông tin về ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát huy hiệu quả nguồn lực vốn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế mới.
Hội thảo sẽ trao đổi, làm rõ, minh bạch các thông tin về ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát huy hiệu quả nguồn lực vốn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế mới.

Nhằm nắm bắt thông tin về thực trạng, cơ hội, thách thức cũng như xu hướng của ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế mới, từ đó tăng cường nhận thức và sự quan tâm của các nhà đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thông qua các công cụ tài chính xanh, hội thảo với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 21/11/2024.

Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan tổ chức chuỗi tại 3 miền Bắc - Trung – Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong năm quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước tới 3,5% vào năm 2050.

Điều này đòi hỏi Việt Nam cần sớm nhận thức tầm quan trọng của thực thi chuyển đổi xanh bằng việc tích cực tiếp cận các mô hình kinh tế mới như tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Thực tiễn thực thi hoạt động chuyển đổi xanh trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy, các nền tảng dữ liệu và công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thể hiện nhiều khả năng có thể cải thiện, giải quyết hiệu quả, thậm chí hóa giải được những thách thức có tính cấp bách đang đặt ra cho thế giới và các quốc gia liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ số được coi là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo đó, Việt Nam cần có những quy định cụ thể nhằm xác định được việc hỗ trợ của công nghệ số cho quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, cần những chính sách mang tính chất quy chuẩn về ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất để chuyển đổi xanh, hỗ trợ quá trình đầu tư vào chuyển đổi số, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

Quá trình này rất cần nguồn lực từ thị trường vốn như đầu tư xanh và tài chính xanh từ các khu vực khác nhau, bao gồm Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính, tín dụng.

Các ngành, các cấp, các địa phương và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân, FDI, doanh nghiệp Việt Nam) đã nỗ lực tiếp cận các xu hướng mới của thế giới, các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, từng bước thay thế các phương thức vận hành truyền thống, giảm thiểu tối đa mức độ tác động tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người.

Tại khu vực miền Trung, với quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Đà Nẵng đã hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2014- 2020” của Chính phủ, bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.

Đà Nẵng cũng đã triển khai hiệu quả Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng thành phố thông minh; với 3 trụ cột là phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP thành phố.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã xác định lại tỷ lệ cơ cấu kinh tế thành phố. Theo đó phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, trong đó, kinh tế tuần hoàn- tăng trưởng xanh là mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng.

Đà Nẵng sẽ tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham gia của đại diện cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cùng cộng đồng doanh nghiệp địa phương, trong và ngoài nước và các chuyên gia.

Hội thảo với 2 phiên tham luận vào thảo luận kỳ vọng sẽ giúp các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trao đổi trực tiếp, làm rõ, minh bạch các thông tin về ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát huy hiệu quả nguồn lực vốn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế mới; đặc biệt là với các địa phương như Đà Nẵng để thu hút đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan, từ đó xây dựng chiến lược kế hoạch phù hợp và hiệu quả.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate