Sau phiên kéo ngược phục hồi ngắn ngủi chiều qua, thị trường đã không giữ được động lực trong sáng nay. Cổ phiếu blue-chips tăng đầu phiên nhanh chóng bị xả hàng. Đà đảo chiều giảm giá cũng lan rộng đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn nhiều mã tăng, trong đó nhóm cổ phiếu năng lượng, vật liệu xây dựng mạnh.
Các mã dầu khí, điện giao dịch nổi trội. GAS tăng 2,26% đang là trụ đỡ khỏe nhất của VN-Index, giúp chỉ số có được hơn 1,1 điểm. Nhóm dầu khí cũng có sự phân hóa, như PVS, PVD, PVC giảm. BSR, POW, PSH, PLX vẫn xanh.
Nhóm điện có IDC tăng 2,23%, POW tăng 1,21%, VSH tăng 1,09%, nhưng cũng có NT2 giảm 0,17%, PPC giảm 0,35%, GEG giảm 0,91%...
Cổ phiếu vật liệu mạnh ở nhóm xi măng, ACC tăng 1,17%, BTS tăng 1,28%, CLH tăng 1,03%, TXM tăng 3,13%... Các mã thép phân hóa, HPG tăng nhẹ 0,23% nhưng HSG lại tăng 1,29%, trong khi NKG giảm 1,57%...
Trạng thái phân hóa xuất hiện ngay cả ở trong những nhóm cổ phiếu khỏe nhất sáng nay cho thấy đây là tình trạng chung. Do ảnh hưởng của triển vọng kết quả kinh doanh nên dòng tiền giao dịch đối lập.
Thị trường nhìn chung khá ổn định trong nửa đầu phiên sáng, VN-Index duy trì mức tăng nhẹ. Tuy nhiên từ sau 10h30, áp lực bán có tín hiệu tăng cao và độ rộng bắt đầu suy yếu. Đến khoảng 10h40 VN-Index bắt đầu rớt xuống dưới tham chiếu và cổ phiếu giảm giá áp đảo. Chốt phiên VN-Index chỉ còn 178 mã tăng/205 mã giảm trong khi thời điểm 10h30 vẫn còn tới 214 mã tăng/155 mã giảm.
VN30-Index giảm 0,81% với 12 mã tăng/18 mã giảm tiếp tục xác nhận sức ép lớn từ nhóm blue-chips. VN-Index giảm 4,75 điểm tương đương -0,43% thì 10 cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất lấy đi khoảng 6,3 điểm ở chỉ số này toàn là các mã thuộc rổ VN30. Dẫn đầu là VHM giảm 3,05%, MSN giảm 2,57%, CTG giảm 1,97%, VIC giảm 1,05%, VJC giảm 3,27%.
Cổ phiếu ngân hàng cũng có một phiên sáng khá thất vọng, khi không thể nào duy trì đà bật tăng cuối phiên hôm qua. Hầu hết các mã nhóm này vẫn tăng đầu phiên, nhưng nhanh chóng suy yếu. Kiểu diễn biến này khiến giá gây thiệt hại khá lớn cho những ai mua đuổi. Chẳng hạn ACB tuy mới giảm xuống dưới tham chiếu 1,15% nhưng đã bốc hơi khoảng 1,9% so với mức đỉnh đầu phiên. CTG thậm chí giảm 2,45% so với đỉnh, VPB giảm khoảng1,78%, MBB giảm 2,25%, STB giảm 2,2%, TPB giảm 3,15%...
Hiện tượng tăng trước giảm sau này khá giống sáng hôm qua, dù biên độ có nhẹ hơn. Cổ phiếu ngân hàng hôm qua được kéo ngược trong buổi chiều và tăng nóng vài chục phút cuối. Kịch bản này có lặp lại chiều nay hay không còn chưa rõ, nhưng những cú nhồi giá tăng rồi xả hàng vẫn phát đi tín hiệu rủi ro cho các giao dịch kiểu đuổi giá cao.
Nhìn rộng ra toàn sàn HoSE, có tới 112 cổ phiếu tạo bull-trap từ 2% trở lên và số này chiếm 58% tổng giá trị khớp lệnh của cả sàn. Đây vẫn là một tín hiệu cho thấy có hành động canh chốt lời.
Mặc dù độ rộng co hẹp lại dần về cuối phiên cộng với biên độ tụt giá rộng phản ánh sức ép nói trên, nhưng dòng tiền hiện vẫn nâng đỡ đủ tại không ít cổ phiếu. Trong 178 mã còn trên tham chiếu, 87 mã đạt mức tăng trên 1%. Khá nhiều mã xuất hiện thanh khoản tốt và giá tăng khá như SBT kịch trần với 126,1 tỷ đồng thanh khoản; AAA tăng 5,11% với 54,2 tỷ; PDR tăng 3,61% với 145,1 tỷ; NVL tăng 3,52% với 212,9 tỷ; DGC tăng 3,32% với 183,5 tỷ; HDG tăng 3,22% với 81,2 tỷ...
Khối ngoại cũng cho thấy hành động khác lạ khi tiếp tục tăng bán ra. Tổng giá trị bán trên HoSE phiên sáng đạt 755,8 tỷ đồng, tăng 22% so với sáng hôm qua. Mua vào đạt 667,6 tỷ đồng, giảm chỉ 5%, dẫn tới bán ròng 88,2 tỷ. HPG vẫn được mua ròng khá nhất +102,9 tỷ, còn lại chỉ có BID +27,4 tỷ và HDB +18,2 tỷ là đáng kể. Phía bán ròng có VHM -57,2 tỷ, DGC -27,4 tỷ, VNM -24,1 tỷ, CTG -22,1 tỷ, KBC -21,6 tỷ, VND -21,4 tỷ, DPM -20,6 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm qua bắt đầu bán ra nhiều hơn mua vào và sáng nay xu hướng đó tiếp tục. Trong khi đó hôm qua nhóm nhà đầu tư cá nhân lại bắt đầu mua ròng. Đây là sự thay đổi khác lạ của xu hướng tăng vừa qua.