Theo Bộ Công Thương, công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao.
CHƯA TỰ CHỦ NGUYÊN LIỆU, PHỤ THUỘC NHẬP KHẨU
Vì thế đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.
Tại tọa đàm “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước” ngày 7/9, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nhận định, bên cạnh nội lực của các doanh nghiệp công nghiệp yếu, thì nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Chúng ta chưa có một sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh để có giá trị gia tăng cao.
Hơn nữa, ngành công nghiệp đang phát triển mất cân đối. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Công nghiệp nặng là ngành quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng những năm qua đóng góp cho nền kinh tế rất thấp.
Mặt khác, sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu khiến sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Vì thế, sự chuyển dịch tái cơ cấu trong công nghiệp thời gian qua đến từ khu vực của các doanh nghiệp FDI mang lại chứ không phải là do các doanh nghiệp nội địa.
Thời gian qua, quá trình phát triển công nghiệp của chúng ta cũng chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thừa nhận, năng lực ngành hoá chất đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước, đã sản xuất được những sản phẩm cơ bản, song một số nguyên liệu chúng ta vẫn chưa tự chủ, phải nhập khẩu; năng lực cung cấp cao su kĩ thuật còn hạn chế. Dư địa để phát triển những sản phẩm chất lượng cao, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, những sản phẩm mới vẫn còn rất lớn.
Tương tự với lĩnh vực thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện ngành thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ một nền công nghiệp thép với tổng công suất 25 triệu tấn thép thô/năm, đáp ứng được không những nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.
Mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thép thành phẩm các loại, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng, bao gồm cả xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải….
Nhưng một số lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn phải nhập khẩu thép làm nguyên liệu đầu vào như thép hợp kim, thép dụng cụ… Dư địa để hợp tác giữa ngành thép với các ngành khác để cung ứng thép thay thế hàng nhập khẩu vẫn còn lớn.
HÌNH THÀNH HỆ SINH THÁI CÔNG NGHIỆP HOÀN CHỈNH
Để xây dựng nền công nghiệp tự chủ theo ông Phạm Tuấn Anh, thời gian tới chúng ta phải tiếp cận và làm chủ những công nghệ sản xuất hiện đại. Đặc biệt, trong số các ngành công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển phải xây dựng được những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển theo.
Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, phải phát triển các ngành sản xuất ra các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu.
“Duy trì các ngành lợi thế, có nguyên vật liệu và nhân công giá rẻ như dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản, dược liệu… Đặc biệt, phải đón đầu những xu thế công nghệ mới trong các ngành công nghiệp sinh học, điện tử, vật liệu…”, đại diện Bộ Công Thương lưu ý.
Để công nghiệp hóa chất phát triển mạnh hơn, ông Nguyễn Hữu Tú cho rằng, trợ lực từ các chính sách vô cùng quan trọng, đặc biệt Quyết định 726 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất cần được đi vào hiện thực.
Cụ thể, với chính sách thuế, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp phân bón trong nước với sản phẩm nhập ngoại cần có sự điều chỉnh chính sách thuế phù hợp.
Có chính sách về tạo mặt bằng các khu công nghiệp cho ngành sản xuất hóa chất. Chính sách khoa học, công nghệ, cần có sự hướng dẫn và kết nối đối với các đối tác nước ngoài để quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hóa chất có hiệu quả thiết thực và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Được ưu tiên tạo điều kiện về cơ chế tài chính, lãi vay với các dự án…
Với ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng Chiến lược phát triển phát triển ngành thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 trong đó có các chính sách đặc thù để đảm bảo ngành thép Việt Nam phát triển nhanh bền vững phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển quốc gia.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành lĩnh vực khác…
Ông Phạm Tuấn Anh bổ sung, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh những chính sách phát triển các tập đoàn lớn, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khắc phục những điểm yếu cố hữu của họ như hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.