Theo tin từ tờ Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng một kế hoạch thương mại gồm 2 bước với Mỹ, bao gồm một thỏa thuận nhanh nếu ông Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và các lựa chọn đáp trả trong trường hợp chính quyền Trump áp thuế quan lên hàng hóa từ EU.
SẴN SÀNG TỰ VỆ NẾU THỎA THUẬN BẤT THÀNH
Các quan chức EU cho rằng “cây gậy và củ cà rốt” là cách phản ứng tốt nhất của khu vực này với việc ông Trump cam kết áp thuế quan tối thiểu 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Nếu kế hoạch áp thuế này được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của EU vào Mỹ sẽ giảm khoảng 150 tỷ euro mỗi năm.
“Cây gậy và củ cà rốt” là kiểu chính sách ngoại giao mà ở đó “cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa và trừng phạt, còn “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi và phần thưởng.
Theo nguồn tin của Financial Times, nếu ông Trump thắng cử vào tháng 11 tới, phía EU dự định sẽ tiếp cận đội ngũ cố vấn của vị cựu Tổng thống trước khi ông nhậm chức để thảo luận về những hàng hóa Mỹ mà EU có thể tăng nhập khẩu.
Trong trường hợp thỏa thuận bất thành và ông Trump tăng thuế quan, cơ quan thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị một danh sách hàng Mỹ nhập vào EU có thể áp thuế quan từ 50% trở lên.
“Chúng tôi phải chứng tỏ rằng chúng tôi là một đối tác chứ không không phải là một vấn đề đối với Mỹ”, một quan chức cấp cao EU cho biết. “Chúng tôi hướng tới một thỏa thuận nhưng cũng sẵn sàng tự vệ nếu thỏa thuận bất thành. Chúng tôi sẽ không để sự sợ hãi dẫn dắt”.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017-2021 là giai đoạn đầy căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với EU – khối có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Sau khi ông Trump áp thuế quan lên 6,4 tỷ euro thép và nhôm nhập khẩu từ EU và một số quốc gia khác vào năm 2018 với lý do an ninh quốc gia, EU đáp trả bằng việc điều chỉnh thuế đối với 2,8 tỷ euro hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo nguồn tin của Financial Times, trong quá trình xây dựng kế hoạch đáp trả thuế quan, Brussels nhắm tới những mặt hàng chủ chốt của các bang quan trọng với chiến dịch tranh cử của ông Trump như rượu whisky bourbon, xe môtô Harley-Davidson và thuyền máy. Thuế quan với các loại hàng hóa này đang được tạm ngừng áp dụng tới tháng 3/2025 theo một thỏa thuận tạm thời với chính quyền Tổng thống Joe Biden để đổi lại việc Washington tạm dừng áp thuế với kim loại EU.
“Hy vọng hai bên sẽ tránh lặp lại sự đối đầu trước đây. Chúng tôi tin rằng Mỹ và EU là các đồng minh chiến lược và đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, chúng ta càng cần phải hợp tác với nhau về thương mại”, ông Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại của EU, nói với Financial Times.
Tuy nhiên, ông Dombrovskis cũng khẳng định EU trước đây đã bảo vệ quyền lợi của mình bằng các biện pháp thuế quan và luôn sẵn sàng làm vậy nếu cần thiết.
SẴN SÀNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ GIẢM THÂM HỤT THƯƠNG MẠI CỦA MỸ VỚI EU
Ông Dombrovskis kêu gọi hai bên có cách tiếp cận mang tính hợp tác, đồng thời khẳng định EU cởi mở với các thỏa thuận nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với khối này.
EU trước đây đã giảm thuế với tôm hùm sống và đông lạnh từ Mỹ - tương tự với các nước khác không có thỏa thuận thương mại, theo các quy tắc thương mại toàn cầu. Đổi lại, Mỹ giảm một nửa thuế quan với một loạt hàng nhập khẩu EU, bao gồm sản phẩm bằng pha lê và bật lửa. Một số thỏa thuận sau đó bao gồm giảm thuế với thịt bò và đậu tương nhằm xoa dịu các cử tri ủng hộ ông Trump ở vùng Trung Tây.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với EU vẫn tăng lên 152 tỷ euro vào năm 2020, từ mức 114 tỷ euro vào năm 2016 khi ông Trump thắng cử.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, EU đã nhập khẩu một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để thay cho khí đốt từ Nga. Tuy vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với EU không biến động nhiều dưới chính quyền Biden, với 156 tỷ euro năm 2023.
Tuy nhiên, các quan chức EU cũng cảnh báo rằng không dễ để tăng kim ngạch nhập khẩu hàng Mỹ. Bởi, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ thường có giá trị thấp hơn so với hàng hóa xuất khẩu của EU. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU là dược phẩm, ô tô và thực phẩm đồ uống đắt tiền như rượu champagne, hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ vào EU là dầu khí, hóa chất, nông sản.
Bên cạnh đó, nền kinh tế EU tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng Mỹ, do đó nhu cầu hàng hóa nhập khẩu không cao như ở chiều ngược lại.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, gần đây dự báo nếu xảy ra chiến tranh thương mại, EU sẽ bị thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ.
“Xung đột thương mại có thể khiến EU mất khoảng 1 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, so với chỉ 0,5 điểm phần trăm của Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc xung đột như vậy có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng thêm 1,1 điểm phần trăm, so với chỉ 0,1 điểm phần trăm ở EU”, ông Hatzius phân tích.
Các nhà hoạch định chính sách của EU hy vọng ông Trump sẽ không muốn đẩy lạm phát ở Mỹ tăng lên trong bối cảnh cử tri nước này vốn đang lo lắng về chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, một quan chức khối này khẳng định: “Dù chuyện gì xảy ra, lần này chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn”.