Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội diễn ra vào chiều 27/5.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc tới hoạt động giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang được Quốc hội triển khai với đánh giá: Đoàn giám sát đã đến với cơ sở, đến với giáo viên, đến với học sinh để lắng nghe hơi thở từ trường học, từ cuộc sống, qua đó thực hiện giám sát có chiều sâu, khách quan, sát với thực tế.
Bộ trưởng cũng mong muốn báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ nhìn nhận, đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 tới quá trình triển khai. Bởi ngay trong những năm đầu tiên triển khai toàn ngành Giáo dục đã phải cố gắng gấp 2-3 để vừa ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, vừa triển khai đổi mới với mục tiêu và kỳ vọng rất lớn.
Bộ trưởng cũng chia sẻ hàng loạt công việc ngành Giáo dục đang và sẽ phải làm như: đánh giá giai đoạn 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023; chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho năm học mới, thẩm định sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29…
Một số việc cụ thể được Bộ trưởng đề cập với mong muốn nhận được sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội như tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên; dành quỹ đất cho giáo dục để mở đường cho xã hội hoá trong giáo dục.
Riêng về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, Bộ trưởng cho biết, sau khi vấn đề này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét phương án cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
“Trong các ủng hộ tại diễn đàn Quốc hội, mong rằng các đại biểu sẽ ủng hộ việc tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, để đảm bảo số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về bất cập trong thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Bộ trưởng cho hay: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút xây dựng Nghị định 116 sửa đổi, đáp ứng yêu cầu về đào tạo giáo viên và khắc phục những bất cập trong đặt hàng đào tạo.
Hiện nay, giáo viên được nhận lương theo các Thông tư 20-23/2015/TTLD-BGDDT và Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT.
Dù hưởng theo hạng nào thì việc hưởng lương được tính theo công thức là hệ số lương hiện hưởng nhân với mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên là 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, giáo viên còn được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi…
Theo khoản 3, Điều 4, Nghị định 77/2021/NĐ-CP thì mức tiền phụ cấp thâm niên = (Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng) x Mức lương cơ sở x Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
Hệ số phụ cấp thâm niên: Thấp nhất là 5% khi có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 05 năm; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm khi đủ 12 tháng sẽ được tính thêm 1%.
Còn mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được thể hiện cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01 theo công thức tính như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Việc tăng phụ cấp là điều giáo viên mong mỏi vì sẽ phần nào giúp cải thiện đời sống của họ và gia đình