Ngày 2/10, FiinGroup công bố báo cáo về "Tác động của bão Yagi lên nền kinh tế Việt Nam", nhằm cung cấp phân tích chi tiết về những ảnh hưởng kinh tế của cơn bão đối với các ngành khác nhau, thiệt hại chính và triển vọng phục hồi.
KỲ VỌNG THỊ TRƯỜNG KHỞI SẮC
Đầu tháng 9/2024, sau khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ cùng mưa lũ đã gây ra thiệt hại lớn cho 26 tỉnh, thành miền Bắc nước ta, các khu vực trọng điểm như Hải Phòng và Quảng Ninh chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất. Cơn bão gây ngập lụt và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, với mức thiệt hại dự tính vượt hơn 81,5 nghìn tỷ đồng. Nông nghiệp, sản xuất, logistics và du lịch là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo số liệu từ FiinGroup, các tỉnh bị ảnh hưởng đóng góp khoảng 25,81% GDP của cả nước và có tới 111 khu công nghiệp cùng 4.760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực chủ chốt như: công nghệ thông tin, sản xuất, xây dựng và du lịch. Những tác động kéo dài có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nhau.
Đánh giá tác động lên một số ngành, nghề, báo cáo từ FiinGroup cho biết cơn bão Yagi đã đặt ra những thách thức đáng kể cho ngành bảo hiểm. Ước tính các yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng và vẫn tiếp tục tăng.
Thống kê sơ bộ tính đến ngày 17/9, đã có 329 người chết và mất tích; khoảng 1.929 người bị thương, hơn 234.700 ngôi nhà, 1.500 trường học và nhiều cơ sở hạ tầng các dự án bị sập hoặc hư hỏng; 726 vụ vỡ đê; hơn 307.400 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập lụt và hư hỏng; 3.722 cơ sở nuôi trồng thủy sản có lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc và gia cầm chết; gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy.
Đây là những con số sơ bộ, vì toàn bộ mức độ thiệt hại do cơn bão Yagi và hậu quả của cơn bão này vẫn chưa được đánh giá toàn diện và đầy đủ.
Trong đó, rủi ro lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm chủ yếu đến từ phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ do bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu khi tăng cả về tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng.
"Cơn bão Yagi sẽ làm tăng đáng kể chi phí yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho các công ty, dẫn đến những tác động gián tiếp tiêu cực đến các công ty tái bảo hiểm, đặc biệt là Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), công ty tái bảo hiểm lớn nhất cả nước”, FiinGroup đánh giá.
Dù chịu những tác động nghiêm trọng của cơn bão Yagi, một số doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm cũng có thể được hưởng lợi từ thảm họa thiên nhiên này.
Về phía khách hàng nhận bồi thường thiệt hại, sau khi được tạm ứng chi trả bồi thường bảo hiểm từ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), lãnh đạo Công ty Chế biến than Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam), lãnh đạo khách sạn 4 sao Hạ Long Plaza thuộc Tập đoàn BIM Group và nhiều doanh nghiệp đã hiểu hơn vai trò của bảo hiểm sau những tổn thất không mong muốn.
Lãnh đạo các doanh nghiệp này cũng đánh giá rất cao việc cán bộ VNI không kể ngày đêm giám định tổn thất và nhanh chóng hỗ trợ các thủ tục tạm ứng bồi thường, kịp thời chia sẻ cùng khách hàng. Thống kê đến ngày 30/9, VNI ghi nhận gần 1.200 vụ tổn thất liên quan tới bão Yagi, trong đó, hơn 817 vụ tổn thất về xe cơ giới và hơn 377 vụ tổn thất về nghiệp vụ tài sản, kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁM ĐỊNH TỔN THẤT CÒN HẠN CHẾ
Làm rõ quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, trao đổi với VnEconomy, đại diện phụ trách về pháp lý của Dai-ichi Life Việt Nam cho biết để bồi thường cho khách hàng bị tổn thất do bão lũ, công ty bảo hiểm rà soát rất nhanh, thông qua danh sách công bố và đại lý ở khu vực.
Còn với doanh nghiệp phi nhân thọ, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên việc ước tính là khá chính xác. Về cơ bản, doanh nghiệp bồi thường toàn bộ các tài sản ngập lụt. Tuy nhiên, các nhà xưởng máy móc thiết bị thì phức tạp, giá trị lớn nên các doanh nghiệp phi nhân thọ phải giám định kỹ. Với các hợp đồng lớn phải theo tiêu chuẩn nhà tái bảo hiểm, hơn nữa, quá trình bồi thường phía doanh nghiệp phi nhân thọ phức tạp hơn vì tái bảo hiểm quốc tế.
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Bảo Hiểm Bảo Việt cho biết cán bộ công ty trực tiếp xuống hiện trường giám định, để đảm bảo khách hàng sớm nhận được phương án tạm ứng bồi thường hợp lý và tránh tình trạng chậm trễ kéo dài ảnh hưởng đến khả năng phục hồi.
"Về công tác giám định, ngoài đơn vị bảo hiểm còn có bên thứ ba độc lập", vị này cho biết.
Trên cơ sở báo cáo giám định của các tổ chức giám định độc lập, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tính toán và đề xuất mức bồi thường cho bên mua bảo hiểm, các đơn vị này có nghiệp vụ và nhiều kinh nghiệm trong các ngành, nghề, có thể nhanh chóng đánh giá được mức độ tổn thất như thế nào.
Cũng theo đánh giá của Bảo Hiểm Bảo Việt, mặc dù cơn bão số 3 đã đi qua, song công tác xác định và đánh giá thiệt hại sau bão cũng gặp không ít thách thức. Các khu vực bị ảnh hưởng thường bị cắt đứt liên lạc, cơ sở hạ tầng giao thông hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc tiếp cận. Các đội ngũ giám định thường phải đối mặt với tình trạng địa hình ngập nước, đổ nát, làm chậm tiến trình khảo sát.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm tài sản và bảo hiểm xe cơ giới, thiệt hại thường không chỉ dừng lại ở việc xác định giá trị tài sản hư hại mà còn bao gồm cả chi phí gián tiếp như tổn thất doanh thu, chi phí thay thế và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo ghi nhận, tại Việt Nam, các doanh nghiệp phi nhân thọ ứng dụng công nghệ trong giám định tổn thất còn hạn chế, chủ yếu là cán bộ trực tiếp xuống hiện trường khiến thời gian xử lý bồi thường còn kéo dài. Theo một khảo sát của Accenture (công ty cung cấp dịch vụ và tư vấn công nghệ) trên 25 quốc gia, thời gian xử lý bồi thường từ 1 - 4 tuần khiến 31% khách hàng còn phàn nàn.
Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các giải pháp nhận dạng thương tổn hay ứng dụng robot, drone (máy bay không người lái) để có thể giám định từ xa và hỗ trợ các cán bộ giám định đánh giá tổn thất hay thiệt hại tài sản nhanh chóng hơn.
Thống kê từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 20/9, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra lên tới 9.013 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe ước tính thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng do bão. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng.