Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Buôn Ma Thuột và phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Trong quá trình sản xuất, ngoài các nguyên liệu thông thường, các cơ sở này còn sử dụng một loại "nước kẹo" không màu. Chỉ trong 2024, nhóm này đã đưa ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ chứa hóa chất cấm, tương đương 8 - 10 tấn mỗi ngày.
Trước đó, hồi tháng 10, hai cơ sở sản xuất giá đỗ ở Quảng Ngãi cũng đã bị khởi tố vì sử dụng chất 6-Benzylaminopurine để trồng giá siêu tốc. Hai cơ sở này đã sử dụng các thùng nhựa bỏ hóa chất phía dưới và dùng lưới nhựa để giá đỗ ở trên để kích thích tăng trưởng nhanh, từ đó mỗi ngày bán hàng tạ giá đỗ ra thị trường.
Trên thực tế, có ba hormone tự nhiên kiểm soát sự tăng trưởng và các chức năng khác của thực vật, gồm: auxin, cytokinin và giberelin. Trong đó, 6-Benzylaminopurine (BAP) là một loại cytokinin tổng hợp đầu tiên, được biết đến với khả năng kích thích tăng trưởng tế bào thực vật. Bên cạnh đó, chất này còn có tác dụng ức chế enzym hô hấp của thực vật. Chất 6-Benzylaminopurine tan trong dimethylfornamide, dimethyl sulfoxide, tan trong dung dịch nước vôi (Na2CO3). Vì thế, việc trồng giá đỗ bằng loại hóa chất này thường kèm vôi.
Ngoài ra hóa chất benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch chỉ cần phun loại hóa chất này sẽ giúp nông sản giữ được màu sắc tươi xanh lâu hơn. Việc sản xuất nhanh siêu tốc nhờ vào việc hóa chất này thẩm thấu sâu vào trong thân kích thích giá đỗ phát triển nhanh hơn 30 – 40%. Vì chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit nên giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao.
Dù là "thần dược" trong kích thích tăng trưởng các loại thực vật, nhưng lại là chất độc hại với động vật. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định trong các bữa ăn của người Việt, giá đỗ thường được chế biến theo nhiều cách, kể cả ăn sống. Khi đó, 6-Benzylaminopurine có thể đi trực tiếp vào cơ thể. Theo PGS Thịnh, chất này không gây ngộ độc cấp tính nhưng có thể gây tác hại lâu dài đến sức khỏe thông qua những biến đổi và tích tụ trong cơ thể, như "quả bom nổ chậm'.
Khi người tiêu dùng ăn phải các loại rau có chứa hoá chất độc hại này thì cơ thể không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống… Cụ thể, 6-Benzylaminopurine có khả năng kích thích sự sinh trưởng bất thường của tế bào trong cơ thể người, dẫn đến tình trạng rối loạn tế bào. Khi chất này tích tụ lâu ngày, nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, biểu hiện qua các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa.
Về lâu dài, hợp chất này có thể gây tổn thương gan, làm suy yếu cơ thể và dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Đặc biệt, tác động của 6-Benzylaminopurine còn nguy hiểm hơn đối với phụ nữ mang thai. Sự tích tụ chất này trong cơ thể người mẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các bất thường trong quá trình phát triển của trẻ.
ThS.BS Lê Thị Thu Huyền, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo y học cộng đồng (MRIT), Tổng hội Y học Việt Nam cho biết trong giá đỗ, 6-Benzylaminopurine là một chất không được cho phép trong sản xuất thực phẩm ở Việt Nam, đặc biệt không được phép sử dụng trên các loại thực phẩm tiêu thụ trực tiếp vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Mặc dù các đối tượng biết rõ đây là chất cấm, họ vẫn sử dụng vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả đối với người tiêu dùng. Hành vi này thể hiện sự thiếu trách nhiệm, đạo đức kinh doanh và cần bị xử lý nghiêm minh.
Do khẩu vị và thói quen, người Việt rất yêu thích các món ăn kèm giá đỗ. Từ phở, hủ tíu, bún bò cho đến mì Quảng, hầu hết các món nước đều không thể thiếu rau sống, trong đó giá đỗ luôn chiếm một phần đáng kể. Giá đỗ cũng thường xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm gia đình với các món xào, canh hay trộn gỏi chua ngọt... Giá đỗ mang lại sự tươi mát, giòn ngọt, bổ sung chất xơ và dinh dưỡng mà không làm tăng độ béo của món ăn. Giá đỗ còn có khả năng làm hài hòa hương vị, giúp cân bằng món ăn nặng dầu mỡ hoặc có vị đậm đà.
Thế nhưng, giá đỗ "ngon" trong mắt nhiều người tiêu dùng cọng phải to, mập mạp, trắng trẻo, trông bắt mắt. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường, một số nơi không ngần ngại sử dụng hóa chất kích thích để giá phát triển nhanh và đẹp mắt hơn. Điều này dẫn đến những lo ngại về sức khỏe, đặc biệt là khi thông tin về giá đỗ "ngậm" hóa chất hoặc rau xanh bị ô nhiễm xuất hiện ngày càng nhiều.
Ngoài “nước kẹo” 6-Benzylaminopurine, còn có loại giá đỗ được ngâm với soda ASH Light - một chất tẩy trắng giúp thân giá trắng muốt và mập mạp. Soda ASH Light thực chất là chất hóa học được dùng trong công nghệ sản xuất bột giặt, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng và mang tính kiềm cao. Trải qua thời gian dài sử dụng, những kim loại này sẽ tồn đọng trong máu và cơ thể, gây ra các bệnh mạn tính, ảnh hưởng gan, thận và còn có thể gây ung thư.
Để nhận biết giá đỗ ngâm hóa chất, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, giá đỗ ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt, ít rễ, rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá đỗ sạch thường gầy hơn, các cọng giá không đều nhau, không bóng, thân cứng, nhiều rễ và khó đứt gãy. "Giá đỗ sạch được ủ truyền thống từ 3-5 ngày, cọng nhỏ, dài khoảng 3 - 7cm, có nhiều rễ do hút nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất được ủ nhanh hơn và ít rễ hơn", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải.
Về màu sắc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, giá đỗ sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, còn giá đỗ ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, bóng bẩy. Khi ăn, giá đỗ sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt hơn. Khi đem những loại đỗ này làm nộm hoặc xào tái, ta thấy nước màu đục từ giá đỗ chảy ra...