Đầu tháng 7/2024, ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết đã tiếp nhận trường hợp một phụ nữ ở Đăk Lăk, đau khớp gối hơn 10 năm, điều trị bằng nhiều cách như uống thuốc, tiêm chất nhờn, tập vật lý trị liệu... mà không thấy tiến triển. Trong sinh hoạt hàng ngày, người này chỉ có thể đi chừng 20 m là sụm chân, phải tìm chỗ ngồi nghỉ.
Theo bác sĩ Duy, tình trạng thoái hóa khớp của phụ nữ này diễn ra nhanh do béo phì. Người bệnh cao 1,5 m, nặng 70 kg. Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng áp lực lên sụn khớp, gây nứt hoặc vỡ vụn sụn. Lượng mỡ thừa trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện các gai xương ở quanh khớp, gây đau nhiều hơn khi vận động...
Thực tế, định nghĩa của béo phì hiện nay đã thay đổi, trở thành bệnh lý mạn tính phức tạp. Theo WHO, bệnh này được xác định bởi tình trạng thừa mỡ quá mức có thể làm suy giảm sức khỏe. Trong hầu hết trường hợp, béo phì là một bệnh lý đa yếu tố do môi trường, các yếu tố tâm lý xã hội và các biến thể di truyền. Trong mỗi phân nhóm, có thể xác định được các yếu tố nguyên nhân chính như thuốc, dinh dưỡng, bệnh lý, bất động, bệnh đơn gene hoặc hội chứng di truyền...
Tính trên tổng dân số, tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn so với các nước như Malaysia, Thái Lan nhưng tốc độ tăng năm sau cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng béo phì hàng năm ở nước ta là 38%, so với mức 10 - 20% của các nước Đông Nam Á. Các nghiên cứu cũng ghi nhận 70% người Việt Nam trưởng thành không đạt mức vận động thể lực được khuyến cáo, với số bước chân trung bình một ngày là 3.600 (khuyến cáo là 10.000 bước mỗi ngày).
Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tăng thừa cân béo phì cao trong khi mức độ sẵn sàng đối phó với vấn đề này lại ở mức kém. Theo Liên đoàn Béo phì Quốc tế (WOF), tốc độ tăng thừa cân béo phì ở nữ giới Việt trong giai đoạn 1995 - 2016 dẫn đầu toàn cầu với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 6,9%.
Năm 2023, nghiên cứu cắt ngang được thực hiện ở 673 chị em độ tuổi 40 - 65 ở địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm tuổi này là 36,41%. Đặc biệt, hơn 3/4 (78%) chị em tham gia nghiên cứu bị béo bụng, vòng eo vượt 80cm. Hầu hết (98,1%) có béo trung tâm, với tỉ lệ WHR vượt hoặc bằng 0,8. Chỉ số WHR thể hiện tỷ lệ eo - hông, là một trong số các phép đo mà bác sĩ có thể sử dụng để đánh giá về tình trạng thừa cân và sức khỏe tổng quan của một người.
Trong khi đó, béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây nhiều bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm, ung thư, nhồi máu cơ tim. Ước tính khoảng 13 loại ung thư liên quan béo phì như vú, tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đa u tủy. Ở phụ nữ, béo phì khiến tỷ lệ đậu thai thấp, tăng huyết áp thai kỳ, tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, dễ sinh non, thai lưu, thai to, trẻ sinh ra có thể chất kém.
Hiện nay, các sĩ thường sàng lọc thừa cân, béo phì bằng cách dùng chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính bằng cân nặng (kg) chia cho chiều cao (m) bình phương. Các ngưỡng cụ thể để đánh giá tùy theo vùng, dân tộc. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ số này từ 23 là thừa cân, từ 25 là béo phì.
Đồng thời, việc điều trị béo phì được triển khai theo hướng tiếp cận từng bước, đa mô thức, cá thể hóa. Người bệnh được đánh giá, điều trị yếu tố nguy cơ tim mạch, thay đổi lối sống toàn diện. Nếu không đạt mục tiêu giảm từ 5% cân nặng, phải kết hợp dùng thuốc. Khi BMI từ 30 trở lên kèm nhiều bệnh liên quan béo phì, bác sĩ tính toán đến việc phẫu thuật.
Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ở Đà Nẵng, các chuyên gia y tế cũng cho rằng béo phì làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề bất lợi về phụ khoa và sản khoa khác nhau ở phụ nữ, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Rối loạn kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang cũng phổ biến hơn ở phụ nữ béo phì. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 80 - 90% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang bị béo phì.
Ngoài ra, phụ nữ thừa cân tiềm ẩn nguy cơ mắc các rối loạn nội tiết do chuyển hóa nên dễ bị mắc bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo do nấm, viêm lộ tuyến cổ tử cung, rối loạn kinh nguyệt, như vô kinh, kinh thưa, cường kinh... Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng cần nhận thức và điều chỉnh kịp thời cân nặng để mang lại nhiều lợi ích không chỉ sức khỏe tổng quát, sức khỏe chuyển hóa mà còn cải thiện chức năng sinh sản, giảm tác động của những biến chứng riêng ở phụ nữ béo phì.
Chỉ cần giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể, chị em phụ nữ đã có thể giảm bớt một số triệu chứng của bệnh và giúp kinh nguyệt đều đặn hơn, điều này cũng giúp kiểm soát các vấn đề về lượng đường trong máu và quá trình rụng trứng. Ngoài ra, với bệnh nhân béo phì cần giảm cân trước khi có kế hoạch sinh sản để đảm bảo an toàn sức khỏe. Trong trường hợp có chỉ số BMI quá cao, cần có những biện pháp giảm cân hiệu quả để đảm bảo an toàn cho sản phụ trong quá trình mang thai, sinh con.
Tại Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TP.HCM ngày 21/12 vừa qua, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, cho rằng 4 trụ cột trong điều trị béo phì là dinh dưỡng, vận động, thay đổi hành vi và can thiệp y tế.
Mục tiêu quan trọng là phòng ngừa và điều trị các biến chứng có liên quan đến béo phì để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong đó, can thiệp dinh dưỡng lối sống là nền tảng và phải có trong tất cả các phương pháp điều trị.