December 27, 2023 | 11:33 GMT+7

Hàng không Việt nằm trong “vùng trũng” phục hồi

Ánh Tuyết -

Năm 2023, hàng không toàn cầu phục hồi ấn tượng nhưng tại Việt Nam, vận chuyển khách quốc tế mới chỉ bằng 77% năm 2019. Do doanh thu từ thị trường quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của nhiều doanh nghiệp hàng không nên những mất mát do đại dịch gây ra vẫn chưa thể bù đắp...

Thị trường vận tải hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam tăng trưởng chậm hơn bình quân chung.
Thị trường vận tải hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam tăng trưởng chậm hơn bình quân chung.

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy năm 2023, vận chuyển nội địa đạt 42 triệu khách, có dấu hiệu chững lại khi giảm 3% so với năm 2022 nhưng vẫn duy trì đà tăng 12% so với năm 2019.

Tuy nhiên, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 nhưng chỉ bằng 77% so với năm 2019. Tựu trung, vận tải hành khách hàng không năm 2023 tăng trưởng 34,5% so với năm 2022 và hồi phục tương đương 93,6% so với năm 2019.

PHỤC HỒI KHÁCH QUỐC TẾ KHÔNG ĐẠT KỲ VỌNG

Dành nhiều nỗ lực phục hồi và từng bước mở rộng mạng đường bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở Trung Á như: Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Dù còn hạn chế nhưng trong năm 2023, các đường bay đến Trung Quốc và Nga cũng được khôi phục.

Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh doanh năm 2023, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng năm 2023 tình hình thị trường vận tải hàng không Việt Nam cũng như thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi. Vận tải hàng không thế giới cơ bản hồi phục khoảng 90% so với thời kỳ trước đại dịch, trong đó một số thị trường phục hồi gần như hoàn toàn như Bắc Mỹ, châu Âu.

Nhờ vậy, các đường bay đến châu Âu, Úc, tải cung ứng quay về gần tương đương so với năm 2019 và Vietnam Airlines thậm chí còn tăng thêm tải cung ứng, mở thêm đường bay mới kết nối sân bay Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).

 

Điều đáng lưu tâm là thị trường vận tải hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, lại tăng trưởng chậm hơn bình quân chung và là “vùng trũng” phục hồi, chủ yếu do thị trường Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc tăng trưởng không như mong đợi.

Theo lý giải của lãnh đạo Vietnam Airlines, các hãng hàng không Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc rất lớn khi tổng tải cung ứng chiếm 25-30% nên khi thị trường hàng không tỷ dân chưa phục hồi sẽ ảnh hưởng đến hãng bay Việt.

Do đó, vận tải hàng không quốc tế những tháng cuối năm 2023 chậm hơn kế hoạch đề ra và cả năm hồi phục khoảng 72% so với năm 2019.

Cùng chung quan điểm, lãnh đạo Vietravel Airlines cũng cho rằng thị trường nguồn từ các nước vùng Đông Bắc Á chiếm đến 70% lượng khách đến Việt Nam trước dịch nhưng phục hồi không như kỳ vọng.

Thời điểm trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2023, thị trường truyền thống hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc mới đạt 1,5 triệu lượt khách. Thị trường Đài Loan đạt 758.000 lượt, Nhật Bản đạt 527.000 lượt khách…

Hàng không Việt nằm trong “vùng trũng” phục hồi - Ảnh 1

Với vận tải hàng không nội địa, ông Hà cho rằng những tháng cuối năm có nhiều điểm khác thường, không thể quay trở lại mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2022, một phần do khi thị trường mở cửa sau đại dịch Covid-19, tâm lý du lịch “trả thù” tăng mạnh đã kích cầu du lịch nội địa tăng bùng nổ. Chính vì vậy, nửa đầu năm 2023, thị trường nội địa vẫn giữ đà tăng trưởng tốt so với cả năm 2019.

Tình hình bắt đầu ảm đạm từ quý 3/2023 trở đi do sức mua của người dân sụt giảm, nhiều gia đình “thắt lưng buộc bụng” khiến cao điểm hè không như kỳ vọng. Trong quý 4/2023, tổng thị trường vận tải hàng không nội địa của Việt Nam thấp hơn so với năm 2019 khoảng 10%.

Thị trường không phục hồi như kỳ vọng cộng thêm môi trường kinh doanh chưa hết khó khăn, nhiều yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu bay tăng cao, tỷ giá diễn biến bất lợi, khó lường khiến các hãng hàng không Việt Nam dù tích cực thay đổi và cố gắng thích nghi với môi trường kinh doanh nhiều biến động nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh, bức tranh tài chính vẫn mang gam màu xám.

THÁCH THỨC SẮP PHẢI ĐỐI DIỆN

Dự báo về sự phục hồi thị trường hàng không sắp tới, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, năm 2024 thị trường vận tải hàng không thế giới sẽ phục hồi về giai đoạn trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương khả năng phục hồi sẽ thấp hơn 1-2 điểm so với năm 2019 do kinh tế thế giới sụt giảm, chiến tranh Ukraine - Nga, xung đột Hamas - Israel ở Dải Gaza sẽ là rủi ro lớn với vận tải hàng không.

Một trong những yếu tố rủi ro mà các hãng hàng không trong nước phải đối mặt năm tới, đó là các nhà cung ứng dịch vụ trong khu vực và thế giới sẽ tăng giá. Bên cạnh đó, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố tác động mạnh đến sự phục hồi của thị trường vận tải hàng không.

Hơn nữa, tháng 9/2023, Cục Hàng không Việt Nam nhận được thông tin về việc nhà sản xuất động cơ  Pratt&Whitney (Mỹ) phải thực hiện việc triệu hồi 3.000 động cơ PW 1100 trên thế giới để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Theo đánh giá hiện tại, số lượng động cơ bị ảnh hưởng của các hãng hàng không Việt Nam dự kiến là 52 động cơ, gồm 30 động cơ của Vietnam Airlines và 22 động cơ của Vietjet.

Với số lượng động cơ lớn (PW1100) của hai hãng hàng không, thời gian sửa chữa động cơ dài, tần suất sửa chữa dày và thời gian tàu bay phải dừng bay để tráo đổi động cơ nhằm mục đích đưa hai động cơ bị ảnh hưởng vào cùng 1 tàu, dự kiến đội bay A320, A321 của các hãng hàng không Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không đang khai thác máy bay có động cơ bị ảnh hưởng của lệnh triệu hồi và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thu xếp bãi đậu cho các tàu bay dừng lâu ngày cũng như triển khai các chương trình bảo dưỡng dừng bay, đảm bảo an toàn cho tàu bay trong quá trình dừng bay cũng như sau khi tàu bay trở lại khai thác.

Về vấn đề này, Vietnam Airlines dự kiến có khoảng 12/20 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra kỹ thuật nên sẽ ảnh hưởng khai thác. Tuy nhiên, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên thời gian sửa chữa động cơ sẽ bị kéo dài, trước đây chỉ mất khoảng 75-90 ngày nhưng hiện kéo dài trên 200 ngày. Do đó, hãng bay phải tiến hành quản trị thời gian đảm bảo động cơ được bảo dưỡng nhanh nhất và đưa vào khai thác.

NỖ LỰC THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH KHAI THÁC QUỐC TẾ

Để hoạt động vận tải sớm hồi phục hoàn toàn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn cho biết năm 2024 sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các hãng hàng không khôi phục hoàn toàn và từng bước mở rộng, phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế, đẩy mạnh hoạt động khai thác quốc tế đến các cảng hàng không địa phương có điểm du lịch...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2023 phát hành ngày 25-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hàng không Việt nằm trong “vùng trũng” phục hồi - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate