October 18, 2023 | 14:28 GMT+7

Khoa học công nghệ sẽ đóng góp trên 50% tăng trưởng của ngành nông nghiệp

Chu Khôi -

Khoa học công nghệ hiện đang đóng góp khoảng trên 35% vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, thúc đẩy xuất khẩu và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân…

Diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững”.
Diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững”.

Ngày 18/10/2023 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và CropLife châu Á đồng tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững”.

Diễn đàn nhằm cập nhật, trao đổi những thông tin tổng quát về xu hướng nghiên cứu, phát triển và tích hợp công nghệ mới, giải pháp sáng tạo hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐÓNG GÓP 35% VÀO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam đã định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong thời gian tới. Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Từ một đất nước thiếu lương thực, giờ đây Việt Nam không những đủ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nông sản thuộc nhóm nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 53,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021, trong đó, sản phẩm trồng trọt đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,13%. 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông sản đạt 38,48 tỷ USD, trong đó, trồng trọt là 19,54 tỷ USD, chiếm khoảng 50,8% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 38,48 tỷ USD; trong đó, trồng trọt là 19,54 tỷ USD, chiếm khoảng 50,8% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp".

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để có được những thành công trên, phải kể đến sự đóng góp vô cùng to lớn của khoa học công nghệ. Trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận; 36 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

“Khoa học công nghệ tiếp tục là then chốt trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ tại sự kiện, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Ralph Bean cho biết: Đổi mới sáng tạo đem lại năng suất tốt hơn cho nông nghiệp, trước bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm thời tiết, đặt ra những nguy cơ chưa từng có trong tiền lệ.

“An ninh lương thực là mối quan ngại thường trực trong nỗ lực cung cấp lương thực cho dân số thế giới đang ngày càng tăng, cũng như đảm bảo tiếp cận công bằng đối với dinh dưỡng và thực phẩm với giá cả phải chăng. Việc các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động và số hóa là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện”, Ngài Ralph Bean nhấn mạnh.

 HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC VÀO KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP

Ngoài ra, theo ông Ralph Bean, các giải pháp sinh học cũng có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra cuộc cách mạng trong hệ thống nông nghiệp. Người nông dân từ đó có thể tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng, bổ dưỡng với giá cả hợp lý nhờ ứng dụng các cải tiến khoa học và việc hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường như sử dụng nguyên liệu đầu vào tiết kiệm hơn, giảm phát thải, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như: đất đai, nước, nguyên liệu đầu vào…

“Các giải pháp công nghệ cho chúng ta những cơ hội chưa từng có về tăng năng suất nhờ số hóa quản lý tài nguyên, thúc đẩy thực hành bền vững. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra hệ thống thực phẩm hiệu quả, minh bạch, có khả năng thích ứng cao", Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ nói.

Tại diễn đàn, các diễn giả trong nước và quốc tế đã đánh giá tổng quan về việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới; thảo luận những vấn đề đang phải đối mặt, những thách thức trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và xác định được những ưu tiên, định hướng trong nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao, và hợp tác công tư để chia sẻ lợi ích từ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hoá là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện.

“Để nông dân có thể tiếp cận kịp thời và công bằng với công nghệ, các giải pháp đổi mới trong nông nghiệp cũng như sử dụng có trách nhiệm những công cụ này, cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống. Đó là củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp dựa trên khung pháp lý minh bạch, có cơ sở khoa học, phù hợp với các thông lệ quốc tế”, bà Thu chia sẻ.

Bà Nguyễn Giang Thu cho rằng tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn tới cần dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dự kiến giai đoạn tới, khoa học công nghệ sẽ đóng góp trên 50% tổng mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Thời gian tới cần huy động mọi nguồn lực đầu tư trong một số lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; cơ chế công tư (PPP) hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa dịch vụ.

 
Khoa học công nghệ sẽ đóng góp trên 50% tăng trưởng của ngành nông nghiệp - Ảnh 1

Trong khuôn khổ của diễn đàn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife châu Á đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến như sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate