May 06, 2025 | 09:28 GMT+7

Không thể chủ quan với bệnh than

Hoài Phương -

Bệnh than tồn tại ở Việt Nam hàng trăm năm nay. Năm 2023, bệnh than diễn tiến mạnh nhất trong vòng 10 năm với 14 người mắc bệnh tại tỉnh Hà Giang (1 ca) và Điện Biên (13 ca), trong đó có hơn 100 trường hợp phơi nhiễm…

Ảnh: Medical News Today
Ảnh: Medical News Today

Giới chức Thái Lan ngày 2/5/2025 thông báo đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì bệnh than ở nước này trong 30 năm trở lại đây, theo tờ Bangkok Post. Một người đàn ông 53 tuổi ở tỉnh Mukdahan của Thái Lan đã tử vong ngày 3/4/2025 sau khi mắc bệnh than và một trường hợp thứ hai được xác nhận trong cùng tỉnh và ba trường hợp nghi ngờ khác đang được điều tra, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Mukdahan Narong Chankaeo.

Người đàn ông tử vong vì bệnh than và bạn của ông đều có các triệu chứng như tổn thương da trên tay và phát ban. Huyện Don Tan, nơi có hàng chục ca nhiễm bệnh than được báo cáo vào năm 2024, hiện đã được tuyên bố là khu vực kiểm soát dịch bệnh. Bác sĩ Narong cho hay tổng cộng có 638 người ở Don Tan đã tiếp xúc với cùng một nguồn lây nhiễm thông qua việc giết mổ hoặc ăn thịt bò sống hoặc chưa được nấu chín.

Các tỉnh lân cận là Amnat Charoen, Kalasin và Nakhon Phanom đang trong tình trạng báo động về khả năng lây nhiễm bệnh than và đã cảnh báo người dân không được ăn thịt bò sống. Cơ quan Phát triển Chăn nuôi Thái Lan cho biết sẽ tiêm vaccine cho khoảng 1.200 gia súc trong bán kính 5 km tính từ nơi bùng phát ca bệnh than đầu tiên.

Không thể chủ quan với bệnh than - Ảnh 1

Bệnh than (anthrax) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than gây ra. Nguồn bệnh là động vật như: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chuột... bị bệnh. Động vật bị nhiễm bệnh có thể chết đột ngột, thường có máu đen chảy ra từ các lỗ tự nhiên. Con người có thể mắc bệnh qua vết thương hở hoặc do ăn phải thịt bị nhiễm bệnh chưa nấu chín, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, bệnh than thuộc nhóm B trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương miệng - họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa. Ở thể da, chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát.

Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. 

Bệnh lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Bệnh than cũng lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh.

Không thể chủ quan với bệnh than - Ảnh 2

Bệnh than thể phổi xảy ra là do hít phải bào tử vi khuẩn trong công nghiệp chế biến da, len, xương. Bệnh than thể ruột và thể mồm - họng là do ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn. Không có bằng chứng về việc lây truyền bệnh than từ sữa động vật nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn than qua đường hô hấp tuy hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong ở người có thể lên tới 90% nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, bệnh than thường lưu hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than trên người. Trung bình giai đoạn 2016 - 2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết: "Bệnh than tuy hiếm gặp nhưng thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết mổ thịt động vật, nhân viên thú y, công nhân chế biến da, lông thú… 

Bệnh than lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với xác động vật chết do mắc bệnh than. Con người mắc bệnh hoàn toàn chủ quan do việc hít phải bào tử vi khuẩn than, ăn thịt động vật bị nhiễm khuẩn than dẫn đến mắc bệnh. Trực khuẩn tạo bào tử và bào tử Bacillus anthracis tồn tại rất bền vững bất chấp môi trường khắc nghiệt bên ngoài. Các cơ quan y tế đã làm xét nghiệm để thấy trực khuẩn than, bào tử than có thể tồn tại và sống sót trong đất nhiều năm". 

Thực tế, thời gian ủ bệnh than thường kéo dài từ 1 đến 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như sốt cao kèm ớn lạnh, tím tái, khó thở, ra mồ hôi đầm đìa, đau đầu... Giai đoạn tiếp theo, bệnh nhanh chóng chuyển sang nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm màng não, nhiễm độc toàn thân và khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái suy kiệt.

Không thể chủ quan với bệnh than - Ảnh 3

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến nghị nên tiến hành tiêm phòng bệnh than cho ba nhóm người độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi; những người thuộc nhóm nghề nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn như nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với bệnh than, nhân viên xử lý động vật hoặc sản phẩm động vật, bác sĩ thú y chăm sóc động vật bị nhiễm bệnh, tiêm phòng sau phơi nhiễm… 

Đặc biệt, CDC Mỹ còn đưa ra một phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm kéo dài 60 ngày với kháng sinh thích hợp kết hợp với 3 liều vaccine bệnh than tiêm dưới da cho những người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm phòng đã tiếp xúc với bào tử Bacillus anthracis dạng khí dung.

Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thưởng nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc...

Khi động vật ốm chết phải được chôn sâu, khử trùng tẩy uế. Người lao động tại các lò sát sinh, xưởng chế biến sản phẩm từ động vật (thịt, xương, da, lông...) cần tiêm vaccine để phòng bệnh. Người dân cần nấu chín kỹ các loại thịt để ăn, nếu thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate