October 24, 2022 | 17:35 GMT+7

Lạm phát thúc đẩy giới nhà giàu đầu tư vào đồ hiệu

Minh Nguyệt -

Đầu năm 2022, nhiều nhà nghiên cứu và phân tích tài chính chuyên ngành xa xỉ phẩm cho rằng thị trường sẽ giảm nhiệt hậu đại dịch và khi cả thế giới tiến tới khả năng suy thoái kinh tế...

Tuy nhiên, kết quả tài chính của các tập đoàn tính đến quý 3/2022 vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn. Theo tờ Wall Street Journal, hôm 20/10, Hermès, nhà sản xuất túi xách xa xỉ của Pháp, cho biết họ dự kiến tăng giá 5 -10% sau khi báo cáo doanh số bán hàng vượt ước tính của giới quan sát. Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, doanh số bán hàng của hãng đã tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,07 tỷ USD.

Tương tự, tập đoàn Kering sở hữu các thương hiệu như Gucci, Balenciaga, Bottega Veneta và Alexander McQueen, cũng vừa công bố doanh số bán hàng cao hơn dự kiến hôm 20/10. Một phần nguyên nhân là du khách Mỹ tranh thủ mua sắm tại Paris và các thủ đô khác của châu Âu khi đồng USD mạnh lên so với Euro.

Hôm 11/10, đúng vào ngày Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về những đám mây đen tối hơn ở phía trước đối với kinh tế toàn cầu, LVMH – công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới của Pháp – công bố doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong quý 3, cho thấy nhu cầu mua sắm của những người giàu có đối với hàng hóa cao cấp vẫn không suy giảm.

Doanh số của LVMH đạt 19,76 tỉ euro trong quý vừa qua, tăng 27% so với một năm trước. Tăng trưởng doanh thu của 4/5 bộ phận kinh doanh của LVMH đều vượt dự báo của giới phân tích. Christian Dior, thương hiệu mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho LVMH, một lần nữa dẫn đầu mức tăng trưởng.

Có thể nói, Hermès, Kering và các thương hiệu xa xỉ đang trải qua một thời kỳ bùng nổ sau đại dịch mà cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi. Lạm phát tăng cao, những thách thức trong chuỗi cung ứng và cuộc chiến ở Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ lao đao. Tuy nhiên, giới nhà giàu vẫn thoải mái chi tiêu. Giám đốc tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony cho biết: “Chúng tôi chỉ việc bán hàng cho những người giàu có. Hành vi tiêu dùng của họ không nhất thiết phải lên xuống theo nền kinh tế hay GDP".

Nói cách khác, trong khi các cửa hàng thực phẩm nhận thấy khách hàng của họ trở nên tiết kiệm hơn khi lạm phát cao, LVMH vẫn có thể tăng giá mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu ngay lập tức. Với đồng đô la có giá cao hơn một Euro lần đầu tiên sau hai thập niên, giới nhà giàu Mỹ không ngại xếp hàng chờ mua những chiếc túi Chanel trị giá đến 9.000 Euro ở Paris, hay lưu trú tại khách sạn Cheval Blanc Paris của LVMH, với giá đến 55.000 Euro/đêm.

Ở mỗi buổi báo cáo tài chính, các tập đoàn đều đưa ra những dự đoán cho giai đoạn tiếp theo. Vấn đề được quan tâm là khả năng kiểm soát chi phí leo thang vì lạm phát, đặc biệt khi châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng trong mùa đông năm nay. “Như thường lệ, chúng tôi muốn hỗ trợ các đối tác. Nên chúng tôi sẽ tiếp nhận lạm phát như một phần của chi phí sản xuất”, ông Jean-Marc Duplaix, tổng giám đốc tài chính của Kering nhận xét.

“Thị trường đang khá phức tạp vì chính sách Zero-Covid ở Trung Quốc và tình hình lạm phát. Ngành xa xỉ phẩm không bị ảnh hưởng nhiều như các ngành nghề khác nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta hoàn toàn an toàn. Chúng tôi vẫn duy trì các kế hoạch lâu dài, nhưng sẽ linh hoạt thay đổi trong thời gian ngắn nếu cần thiết”.

LVMH công bố doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3.
LVMH công bố doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3.

Theo Reuters, các dữ liệu lịch sử cho thấy đầu tư vào những món đồ sưu tập và đồ hiệu là cách hiệu quả để phòng thủ lạm phát. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của các hàng hóa này vẫn tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Giáo sư tiếp thị Gachoucha Kretz cho rằng các thương hiệu hàng xa xỉ thậm chí có thể phục hồi mạnh hơn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính vì họ đã hiện diện rộng rãi hơn, với một số thị trường đang bùng nổ có khả năng bù đắp mức tăng trưởng chậm lại ở những nơi khác.

Và những khoản đầu tư liên tục mà các thương hiệu đã bỏ ra để tạo ra sức hấp dẫn của các sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất đang được đền đáp. Bà Kretz nói: “Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng một số sản phẩm xa xỉ hàng đầu là tài sản giống như bất động sản. Đối với các sản phẩm có giá trị vượt thời gian, một số khách hàng sẵn sàng mua với giá cao”.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, có những dấu hiệu cho thấy một số sản phẩm kháng cự với suy thoái tốt hơn những sản phẩm khác. Theo Citigroup, các sản phẩm trang sức vàng đang được yêu chuộng đặc biệt trong thời kỳ lạm phát. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao Tiffany & Co., công ty con của LVMH có các sản phẩm trang sức bạc chiếm khoảng 25% hoạt động kinh doanh, tăng trưởng chậm lại trong quý 3.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate