Chia sẻ tại Talkshow The WISE Talk số 02 với chủ đề “Công nghệ giáo dục (Edtech) đang góp phần đưa trẻ em Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới như thế nào?” sáng ngày ngày 22/06, ông Nguyễn Trí Hiển, Đồng Trưởng làng Công nghệ Giáo dục TECHFEST 2020-2022; CEO Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh, cho biết, thị trường Edtech Việt đang có sự phát triển mạnh mẽ xét cả về tốc độ tăng trưởng và mức vốn các nhà đầu tư rót vào thị trường.
CÚ HÍCH COVID-19 VỚI THỊ TRƯỜNG
Xét ở quy mô thị trường quốc tế trong khoảng 5 năm gần đây, lượng đầu tư vào thị trường Edtech năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, đầu tư vào Edtech trên toàn cầu đạt trên 30 tỷ USD. Đặc biệt, số kỳ lân trong lĩnh vực này cũng đạt đến hơn 16 công ty.
Với thị trường Việt Nam, 2021 là một năm kỷ lục về vốn đầu tư rót vào Edtech với khoảng 160 triệu USD đã được đầu tư. Edtech cũng nằm trong top 3 ngành nhận được vốn đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam trong năm qua. “Đây thực sự là tín hiệu vô cùng tốt”, ông Hiển đánh giá.
Và năm 2021 cũng có hơn 150 sản phẩm và startup được chào ra công chúng và được đón nhận. “Ví dụ như Azota, sản phẩm bắt đầu ra mắt từ ngày 15/1/2021 nhưng đến tháng 10/2021, tổng lượng truy cập đã đạt hơn 60 triệu lượt truy cập/tháng”, ông Hiển dẫn chứng và cho biết, tốc độ phát triển của thị trường Edtech Việt đã rất mạnh mẽ trong thời gian qua.
Đặc biệt, làn sóng Covid-19 vô tình khiến mọi người phải chuyển sang học tập online. Các bậc phụ huynh học sinh từ đây nhận thấy, học online cũng mang lại rất nhiều lợi ích.
Theo như khảo sát của Edtech Agency, thị trường Edtech hiện có khả năng chi trả mạnh mẽ hơn so với những năm 2016-2018. Có một điểm thú vị là, những người phụ nữ trong gia đình lại là nhóm sẵn sàng chi trả nhiều cho các sản phẩm giáo dục online bởi họ nhìn thấy những ưu điểm từ các nền tảng này mang lại. Những điểm ưu việt đó bao gồm tiết kiệm thời gian đưa đón con đi học, lượng kiến thức con thu nạp có sự nổi trội bởi trên nền tảng online, người học có thể học đi học lại, xem lại các bài tập đã làm và theo dõi mức tiến bộ rất dễ dàng.
Như vậy có thể thấy, sau Covid-19, tốc độ đầu tư và tăng trưởng trên thị trường đã rất mạnh mẽ với hơn 160 triệu USD đổ vào thị trường và hơn 150 các sản phẩm được tung ra thị trường. “Hy vọng trong giai đoạn tiếp theo, với những sự mở cửa của thị trường, sẽ có những kỳ lân Edtech đầu tiên của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025”, ông Hiển bày tỏ.
MỞ LỐI CHO STARTUP VIỆT VƯƠN TẦM QUỐC TẾ
Hiện tại thì tốc độ phát triển của các sản phẩm công nghệ giáo dục tại Việt Nam đang rất nhanh, Việt Nam cũng có một số lợi thế vô cùng lớn trong cuộc đua về phát triển nguồn nhân lực cho toàn cầu và hướng tới mỗi người là một công dân toàn cầu, ông Hiển đánh giá.
Để có thể làm cho các sản phẩm của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ông Hiển kỳ vọng, các nhà quản lý cần xem xét tạo ra hành lang hỗ trợ về mặt chính sách, định hướng cho việc phát triển cho nền giáo dục nói chung và các nền tảng công nghệ giáo dục nói riêng.
Ông Hiển chia sẻ, hiện nay dù Việt Nam có khoảng tầm 690 sản phẩm khác nhau, để sản phẩm nổi trội có thể cạnh tranh trực tiếp trên toàn cầu vẫn còn nhiều việc phải làm.Việt Nam cũng chưa có unicorn trong lĩnh vực Edtech.
“Hi vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ có những sản phẩm của Việt Nam trở thành unicorn trên thị trường thế giới”, ông Hiển nói và cho biết, để làm được điều ấy thì rất mong các nhà quản lý sẽ có bản đồ thị trường Edtech Việt Nam đang như thế nào và bản đồ của thế giới đang ra sao? “Từ đó, chúng ta có thể hướng dẫn và hỗ trợ các startup, giúp họ lựa chọn nên đi vào những ngách nào, để những ngách đó có thể tạo ra sự đột biến về mặt sản phẩm”, ông Hiển đề xuất.
Cũng theo chuyên gia này, để có thể phát triển sản phẩm trên thị trường quốc tế, những sản phẩm liên quan đến nền tảng, liên quan đến ngoại ngữ, liên quan đến mầm non cần phải hoàn toàn có chỗ đứng để có thể đưa ra cạnh tranh mạnh mẽ và trực tiếp với các sản phẩm quốc tế. “Còn với các sản phẩm ở thị trường Việt Nam thì tôi mong muốn rằng là các đơn vị làm giáo dục đưa ra được lý thuyết để có những cái gọi là khoa học giáo dục, làm rõ chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia như nào, để các sản phẩm đó gắn liền về mặt tư tưởng”, ông Hiển nói.
Lí do là bởi với bất cứ một sản phẩm nào, nội dung và nền tảng đều cần có sự hài hòa để truyền đạt được kiến thức tới người học và làm sao để người học thu nhận nhiều kiến thức nhất và dễ dàng nhất. “Phía Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra hành lang, chính sách cụ thể để giúp đỡ định hướng cho các startup nâng tầm sản phẩm của bản thân”, ông Hiển nói thêm.
The WISE Talk số 02
The WISE Talk là chuỗi talkshow bàn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển bởi Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy. Số thứ 02 của chương trình bàn về chủ đề“Công nghệ giáo dục (Edtech) đang góp phần đưa trẻ em Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới như thế nào?”. Bên cạnh chuyên gia Nguyễn Trí Hiển, tham gia chương trình lần này còn có đại diện của startup phát triển sản phẩm, bà Nguyễn Phương Dung, CEO Công ty CP 1Edtech, nhà phát triển ứng dụng Dino Đi học.