September 08, 2022 | 10:10 GMT+7

MoF strengthens stock market management

Thuỷ Tiên -

Under Directive No. 02/CT-BTC issued recently by Minister of Finance Ho Duc Phoc, the State Securities Commission (SSC) will closely examine registration documents for listing / registering for securities trading, especially for companies that raise capital quickly and also newly-established enterprises. The SSC will also work with the country’s three exchanges to closely monitor stocks with large liquidity, making unusual movements, or having valuations that are not suitable with the production and business situation.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có Chỉ thị số 02/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.

Theo Bộ Tài chính, trước tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động bất thường, cơ quan này đã chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dấu hiệu bất thường trên thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để phối hợp xác minh, điều tra, xử lý theo quy định các trường họp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy, những chỉ đạo của Bộ Tài chính bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách, hạn chế tối đa lỗ hổng chính sách tạo cơ hội cho các hành vi vi phạm...

THẨM ĐỊNH HỒ SƠ CHẶT CHẼ

Cụ thể, về kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính giao Uỷ ban chứng khoán chỉ đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch.

Thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp, chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng...

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết. Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm; có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe như: rút giấy phép hành nghề, đình chi kinh doanh... đồng thời khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng để qua mắt cơ quan quản lý tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính giao Cục quản lý giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán xem xét, phân công lại nhiệm vụ quản lý các công ty kiểm toán có lợi ích công chúng theo hướng chuyên môn hóa, tách biệt cơ quan xây dựng chính sách với cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện việc tuân thủ chính sách pháp luật.

Giao Uỷ ban Chứng khoán chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ, Tổng cục Thuế nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng để đảm bảo hoạt động này diễn ra nghiêm túc, thực chất, theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký, giám sát chặt chẽ hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn...

GIÁM SÁT NHỮNG MÃ CÓ HIỆN TƯỢNG ĐỘT BIẾN

Cụ thể, về giám sát giao dịch chứng khoán, Bộ Tài chính giao Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh.

Theo đó, giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý quỹ đầu tư trái phép, quỹ không hoạt động để rút giấy phép và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính giao Trung tâm lưu ký chứng khoán nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo cũng như tăng cường hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng trí tuệ nhân tạo chủ động phân tích, cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi.

Chủ động theo dõi chặt chẽ các tài khoản này và khẩn trương báo cáo Uỷ ban Chứng khoán, Bộ Tài chính để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để xử lý. Trong trường hợp cần thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giám sát dòng tiền, đặc biệt là việc rút tiền, chuyển tiền số lượng lớn.

Bộ Tài chính cũng giao Uỷ ban Chứng khoán chủ động thanh tra, giám sát việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán, phối hợp với các Sở Giao dịch Chứng khoán tăng cường hơn nữa việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường. Song song, sẽ có cơ chế công bố thông tin, phân tích về hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp có mã chứng khoán đang được giao dịch bất thường, đột biến.

XÂY DỰNG KHUNG BÁO CÁO CHUNG

Về giám sát hoạt động của các công ty thành viên thị trường, Bộ Tài chính giao Uỷ ban Chứng khoán chủ trì xây dựng khung báo cáo và các tiêu chí liên quan, trên cơ sở đó yêu cầu các công ty chứng khoán cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt tập trung vào một số nghiệp vụ như tự doanh, cấp margin, tư vấn môi giới đầu tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu, cũng như tình hình tăng vốn rất mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Trên cơ sở báo cáo của các công ty chứng khoán, giao Uỷ ban Chứng khoán chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh tính chính xác của báo cáo, phân tích số liệu để từ đó chỉ ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) trong hoạt động của các công ty chứng khoán.

Xem xét có hay không việc một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh đề nghị các cơ quan chủ động tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các thành viên thị trường và đồng thời đề xuất bổ sung trách nhiệm, xem xét giới hạn một số nghiệp vụ của các công ty chứng khoán nhằm hạn chế tình trạng tăng trưởng nóng, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate